Bầu không khí tươi vui, đầy ắp tiếng cười nói, trò chuyện tại những địa điểm kinh doanh F&B dường như đã trở nên xa lạ từ khi đại dịch COVID-19 “đánh úp” nhân loại. Mặc dù may mắn hơn những quốc gia khác rất nhiều, nhưng tình cảnh của của các nhà hàng/quán cafe tại Việt Nam cũng không có nhiều khởi sắc.
Mở quán với không ít quy định phải tuân thủ, rồi lại ngậm ngùi đóng cửa bởi liên tiếp những đợt dịch bùng phát, quả thật, các thương hiệu F&B đang phải đối mặt với vô vàn thách thức. Thậm chí, ngay cả những khách hàng thân thuộc của họ cũng đang dần phân hóa thành những nhóm đối tượng mới, với những thói quen tiêu dùng đặc biệt dưới tác động của đại dịch.
Nhiệm vụ của thương hiệu lúc này là thích nghi với bối cảnh, thấu hiểu những khách hàng “bình thường mới” để tìm cách duy trì doanh thu an toàn, đồng thời chờ đợi thời điểm thích hợp để phát triển trở lại.
Trong bài viết dưới đây, iPOS.vn sẽ đồng hành cùng bạn điểm qua những nhóm khách hàng đặc trưng xuất hiện trong đại dịch và cách để bạn có thể thu hút họ sử dụng sản phẩm/dịch vụ của mình.
Chiến thuật thu hút 5 nhóm khách hàng F&B mới trong thời kỳ dịch bệnh
Nếu như trước đây, lý tưởng nhất bạn chỉ tập trung vào một vài nhóm đối tượng chủ đạo để đảm bảo chất lượng kinh doanh,…
…thì giờ đây, dưới áp lực duy trì doanh thu và phục hồi lợi nhuận, bạn buộc phải mở rộng phạm vi phục vụ, “đánh chiếm” mọi miếng bánh có thể trong thị trường.
Việc thay đổi mục tiêu kinh doanh này có thể sẽ khiến bạn lao đao trong thời gian đầu. Tuy nhiên đừng nản chí! Hãy dành thời gian tìm hiểu về các nhóm khách hàng khác nhau, đồng thời nghiên cứu về mối quan tâm của họ để có những chiến lược thu hút hiệu quả, đảm bảo việc kinh doanh được diễn ra suôn sẻ và đem lại doanh thu như kỳ vọng.
Dưới đây là những nhóm khách hàng mà bạn cần ĐẶC BIỆT quan tâm, cùng với đó là gợi ý về những chiến thuật bạn có thể áp dụng để “chiều lòng” họ trước không khí ảm đảm của đại dịch.
Nhóm khách hàng 1: Ăn ngoài vẫn là chân ái
Nhóm khách hàng này là những tín đồ ăn uống đích thực, đã quá nhớ nhung sự rôm rả và sức sống náo nhiệt nơi hàng quán. Họ vẫn quan ngại tới những vấn đề về dịch bệnh và sức khỏe, tuy nhiên, chỉ cần hàng quán có dấu hiệu mở lại, họ sẽ là những người đầu tiên đổ xô đến gõ cửa, tình nguyện “cúng tiền”. Bởi với họ, việc được thưởng thức những món ăn, đồ uống ngon miệng, vui vẻ như trước thời điểm dịch bệnh chính là mong ước mãnh liệt nhất.

Vậy làm thế nào để bạn có thể thu hút nhóm khách hàng này?
Nếu trong trường hợp hàng quán chỉ được bán mang về, hãy thiết kế lại trải nghiệm ăn uống, sao cho họ cảm nhận được sự thân thuộc như khi dùng bữa tại nhà hàng. Việc này có thể bao gồm việc đưa những món ăn “độc quyền” của bạn lên menu giao hàng, đóng gói bao bì và dụng cụ ăn uống đẹp mắt hay thậm chí là cung cấp cả thiết bị nấu nướng cho khách,…
Đồng thời, trên những kênh truyền thông chính thống của thương hiệu, hãy lan tỏa những thông điệp động viên nhóm khách hàng này – rằng câu chuyện chống dịch là không của riêng ai và trải nghiệm ăn tại nhà là một hình thức an toàn để xã hội nhanh chóng trở lại thời kỳ bình thường. Qua đó, bạn có thể xoa dịu sự thất vọng của thực khách khi không được ăn ngoài, đồng thời nhận về cái nhìn cảm tình hơn qua hình ảnh là một thương hiệu chuyên nghiệp trong kinh doanh.
Còn nếu trong trường hợp hàng quán được mở cửa trở lại, hãy nhanh chóng đưa ra thông tin chính thức về thời gian cụ thể bạn sẵn sàng “chào sân”. Không dừng lại ở đó, bạn có thể “gia giảm” thêm một chút “gia vị” khuyến mãi để ngay lập tức lôi kéo khách hàng quay trở lại hàng quán trải nghiệm dịch vụ.
Cuối cùng, đừng quên cảm ơn những thực khách đến quán và khuyến khích họ chia sẻ về trải nghiệm ăn uống “ngày trở lại” của họ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Hoạt động này vừa giúp bạn có thể làm vừa lòng “khách đi”, mà còn tạo ra cơ hội marketing 0 đồng để chào đón những “khách đến”.
Nhóm khách hàng 2: Dù nghiện nhưng vẫn còn ngại
Cũng sở hữu niềm đam mê la cà hàng quán mãnh liệt, nhưng đối tượng này vẫn còn một chút lo ngại về dịch bệnh. Vậy nên, nhu cầu của họ có phần “khó tính” hơn so với nhóm khách hàng một. Vừa muốn thưởng thức một bữa ăn ngon với không khí vui tươi, náo nhiệt nhưng lại cùng lúc muốn giữ bản thân an toàn, có khoảng cách trong các hoạt động giao tiếp xã hội.
Để chào đón những khách hàng này tới với thương hiệu một các an tâm nhất, bạn nên:
Nếu trong trường hợp hàng quán chỉ được bán mang về, ngoài việc cung cấp đồ ăn và trải nghiệm dùng món như tại nhà hàng, hãy đảm bảo rằng khâu đóng gói cũng được chăm chút kỹ càng, đảm bảo an toàn nhất có thể khi đến tay thực khách. Đồng thời, hãy liên tục truyền tải những nội dung và hình ảnh về các biện pháp giữ an toàn cho đồ ăn của mình để thực khách biết rằng bạn luôn giữ tinh thần đề phòng dịch bệnh rất cao.
Nếu hàng quán được mở cửa trở lại, hãy dành riêng cho những khách hàng nhóm này một sự kiện “tái mở cửa” nhỏ nhắn, ít người tham gia để họ có thể dùng bữa an toàn (và cảm thấy bản thân mình đặc biệt). Để nâng tầm sự kiện, bạn có thể gửi lời mời tham gia cá nhân hóa qua SMS, email hay tài khoản MXH nếu có thông tin của họ. Đừng quên đăng tải những hình ảnh của sự kiện lên những kênh truyền thông để quảng bá cho thương hiệu.

Thêm vào đó, với đối tượng khách hàng này, hãy luôn đảm bảo địa điểm, cũng như nhân viên của bạn phục vụ họ chỉn chu theo những quy định về phòng chống dịch. Từ khoảng cách giữa các chỗ ngồi cho tới việc đeo khẩu trang khi phục vụ, tất cả đều được nhóm thực khách này để ý rất kỹ, nên đừng dại phá luật rồi để lại ảnh hưởng xấu trong mắt họ nhé!
Nhóm khách hàng 3: Người chơi hệ mua mang về (take-away)
Nhóm khách này là những người đã chán ngấy đến tận cổ việc dùng bữa tại nhà, nhưng việc thưởng thức đồ ăn/thức uống tại điểm bán vẫn là thứ gì đó quá nguy hiểm với họ. Ngoài ra, những người này cũng có lối sống lành mạnh, thích ủng hộ những hàng quán xung quanh khu vực họ sinh sống, làm việc nên ưa chuộng hình thức mua mang về hơn sử dụng dịch vụ giao hàng của các ứng dụng thứ ba.
Dưới đây là một vài bật mí để bạn có thể chiếm được cảm tình của những vị khách này:
Điều đầu tiên bạn cần làm là xây dựng một kênh đặt hàng mua mang về với trải nghiệm nhanh, gọn, lẹ. Có thể nói đây là yếu tố quyết định để lôi kéo các khách hàng thuộc nhóm này, bởi không một ai, xin nhắc lại, không một ai còn thích thú với việc gọi điện hay nhắn tin dông dài để đặt hàng nữa.
Tiếp đến, hãy cân nhắc thật kỹ về những món bạn sẽ đưa lên menu bán hàng take-away. Nên nhớ, thực khách chính là shipper và họ là tay mơ, không có chút kỹ năng và trang bị vận chuyển chuyên dụng nào cả. Vì vậy, các món ăn nên được tinh giản, với bao bì đóng gói cẩn thận để thực khách dễ dàng mang đi.

Ngoài ra, do bạn đã tiết kiệm được chi phí vận chuyển, bạn có thể “dễ tính” giảm giá toàn bộ menu take away từ 5 đến 10% để thu hút khách hàng mua sắm nhiều hơn. Vì nói gì thì nói, ai mà chẳng mê giảm giá!
Trong trường hợp món ăn của bạn rất phức tạp, khó đưa lên menu take-away, đừng ngại ngần thử nghiệm hình thức bán chúng dưới dạng những gói nguyên liệu sơ chế sẵn cùng hướng dẫn chế biến chi tiết. Lúc này, thực khách có thể sẽ rất thích thú khi được tự tay cho ra đời những món ngon chuẩn nhà hàng dễ dàng, tại nhà. Bạn thậm chí có thể nâng tầm hình thức kinh doanh này lên bằng việc mở ra những cuộc thi nấu ăn từ nguyên liệu của mình trên MXH và thúc đẩy khách hàng mua sắm, tham gia bằng giải thưởng hấp dẫn.
Đọc thêm: Cách xây dựng menu bán hàng online
Nhóm khách hàng 4: Mê tít ăn đồ ship
Bằng một sự cảnh giác cao độ, dù có thèm ăn những món khoái khẩu ngoài quán đến đâu thì nhóm khách này vẫn “nói không” với các hình thức ăn uống hay mua hàng có tiếp xúc trong mùa dịch. Do vậy, điều duy nhất có thể khiến họ khắc cốt ghi tâm trong mùa dịch là một trải nghiệm đặt hàng và giao đồ ăn không tiếp xúc từ A đến Z đến từ thương hiệu của bạn.
Dưới đây là một vài bí quyết giúp bạn có thể tạo ra trải nghiệm giao hàng hoàn hảo, qua đó “đốn tim” nhóm khách hàng này trong nháy mắt
Đầu tiên, hãy đảm bảo việc đặt hàng được diễn ra đơn giản và dễ tiếp cận nhất – bằng việc tận dụng tất cả các kênh bán giao về có thể, từ website, fanpage tự xây cho đến ứng dụng từ bên thứ ba để khách hàng “thích mua ở đâu, có bán ở đấy”.
Tiếp đến, bao bì và cách thức đóng gói nên được bạn chú tâm nhiều hơn, thậm chí là nâng tầm đề đảm bảo đáp ứng được ba yếu tố:
- Công năng tốt, giữ cho thực phẩm khi đến tay khách hàng nguyên vẹn, với chất lượng thưởng thức không bị ảnh hưởng quá nhiều.
- Vệ sinh, an toàn và dễ vận chuyển để giảm bớt gánh nặng giao hàng cho shipper cũng như xua tan nỗi lo về lây nhiễm bệnh tật của khách hàng.
- Nổi bật, bắt mắt, có chứa thông tin về thương hiệu để xây dựng hình ảnh và tạo dấu ấn trong mắt thực khách.

Cuối cùng một trải nghiệm “giao hàng không tiếp xúc” hoàn hảo chắc chắc sẽ không thể thiếu đi sự góp sức rất lớn từ đội ngũ shipper. Nếu bạn có đội ngũ ship riêng, hãy đào tạo và đảm bảo nhân viên của mình làm theo đúng những nguyên tắc giao hàng an toàn cho khách hàng. Còn nếu bạn sử dụng dịch vụ của các bên ứng dụng thứ ba, đừng ngần ngại lựa chọn những gói dịch vụ vận chuyển đặc biệt hơn để chiều lòng nhóm khách hàng khó tính này.
Nhóm khách hàng 5: Bế quan tỏa cảng
Việc đi ăn ngoài, hay thậm chí thưởng thức đồ ăn từ bên ngoài với nhóm khách hàng này gần như là hi hữu, vì họ quá quan ngại về dịch bệnh và không tin tưởng bất cứ thứ gì đi vào dạ dày mình nếu nó đến từ tay người lạ.
Đây sẽ là nhóm khách hàng khó “mua chuộc” nhất với nhà hàng/quán cafe, nhưng cũng đừng nản chí! Hãy “tổng tấn công” họ vợi những nội dung về hàng quán, thương hiệu của bạn trên đa dạng các nền tảng truyền thông. Để mặc dù họ chưa sẵn sàng đi ăn ngoài, nhưng khi được “rửa mắt” bởi rất nhiều thông tin về bạn trước đó, rất có thể họ sẽ ghé thăm nhà hàng bạn đầu tiên sau khi tình hình dịch bệnh dần ổn định trở lại.
Ngoài ra, dù ít hay nhiều, bạn cũng nên khuyến khích những khách hàng này sử dụng các hình thức đặt, mua hàng tối ưu mùa dịch như take away hay giao hàng không tiếp xúc. Nhấn mạnh những biện pháp đảm bảo an toàn của bạn khi vận hành những mô hình bán này trên các kênh truyền thông để khách hàng cảm thấy an tâm, sẵn sàng “mạo hiểm” mua sắm hơn.
Tạm kết
Đại dịch rất khó có thể kết thúc trong ngày một ngày hai và không còn cách nào khác, bạn buộc phải thích nghi và có những phương án kinh doanh hợp lý để tiếp tục duy trì và phát triển. Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết, bạn đã có cái nhìn tổng quan hơn về những đối tượng khách hàng “bình thường mới”, cũng như cách thức để thu hút đến với thương hiệu.
Chúc các bạn tiếp tục vững tay chèo, cùng nhau cố gắng lèo lái vực dậy ngành F&B Việt Nam chiến thắng đại dịch!
Tham khảo ngay một số phần mềm để vận hành kinh doanh trở nên trơn tru hơn nhé!