Highlands Coffee và The Coffee House được coi như “kỳ phùng địch thủ” trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi quán cà phê vì có cùng phân khúc khách hàng, mức giá và chất lượng đồ uống cũng tương tự nhau. Mới đây, khi Highlands Coffee tăng giá menu, người tiêu dùng vẫn “nín thở” chờ xem bảng giá The Coffee House có thay đổi gì hay không.
Đối với dân văn phòng hoặc người trẻ tuổi ở các đô thị lớn của nước ta, chắc hẳn không ai là không biết đến những chuỗi cà phê nổi tiếng như Highlands Coffee hay The Coffee House. Với những sản phẩm chất lượng, mức giá vừa tầm và chất lượng dịch vụ tốt, hai chuỗi cà phê Việt này gần như là những đối thủ có thể cạnh tranh ngang tầm với hàng loạt chuỗi cà phê ngoại như Starbucks, Coffee Bean.
Tuy nhiên, mới đây nhất, Highlands Coffee đã có thông báo hãng sẽ tăng giá toàn bộ menu lên từ 10-15% cho mỗi món đồ uống. Việc này gây ra không ít tranh cãi cũng như ý kiến trái chiều từ phía người tiêu dùng, mặt khác, họ cũng muốn xem các chuỗi cà phê đối đầu với Highlands Coffee như Phúc Long, Cộng Cà phê, Trung Nguyên,… và đặc biệt là The Coffee House sẽ “tung chiêu” gì với đối thủ.
Hãy cùng iPOS.vn theo dõi câu chuyện tăng giá menu Highlands Coffee và từ đó nhìn lại chiến lược hiện tại của The Coffee House như thế nào nhé!
Nội dung
1. Highlands Coffee và The Coffee House – hai thương hiệu “kỳ phùng địch thủ” trong lĩnh vực kinh doanh cà phê công nghiệp ở Việt Nam
1.1. Sự khác biệt giữa định hướng phát triển của Highlands Coffee và The Coffee House
Cùng là những chuỗi cà phê Việt nhưng The Coffee House và Highlands Coffee lại có cách nhìn nhận thị trường khác nhau và tôn chỉ hoạt động cũng khác biệt. Highlands Coffee ra đời đầu tiên vào năm 1999, khởi nguồn từ bán cà phê rang xay đóng hộp, sau đó mới “lấn sân” sang mở quán cà phê.
Chuỗi Highlands Coffee ngày nay đã và đang dần dần lan tỏa ra thế giới bằng chính nguồn nguyên liệu từ đất Việt, tôn vinh văn hóa cà phê Việt, văn hóa cà phê pha Phin để phục vụ người Việt. Điều này bắt nguồn từ chính khao khát của ông David Thái – người thành lập Highlands Coffee: nâng tầm cà phê Việt đi khắp thế giới.

Trong khi đó, The Coffee House lại do một người con sinh ra và lớn lên ở Việt Nam là ông Nguyễn Hải Ninh sáng lập và giữ ghế CEO trong suốt những năm đầu. Năm 2014, ông Ninh cho ra mắt chuỗi The Coffee House với những cửa hàng đầu tiên với cảm hứng xây dựng một quán cà phê mà khách đến có thể thoải mái như “về nhà”.
Ông Ninh chia sẻ: “đi cà phê” từ lâu không đơn thuần chỉ là uống một tách cà phê mà còn là dịp gặp mặt và trò chuyện cùng bạn bè, vì thế The Coffee House đề cao giá trị kết nối giữa con người và trải nghiệm của khách hàng.
Xem thêm: Lạm phát đã đến cốc cà phê Highlands: Cách tăng giá nhưng khách vẫn hài lòng
1.2. Sự khác biệt giữa không gian quán của Highlands Coffee và The Coffee House
Highlands Coffee là chuỗi cà phê có độ phủ rộng hơn khi có tới hơn 300 chi nhánh trên toàn quốc. Những quán của Highlands Coffee thường toạ lạc ở vị trí vàng, đắc địa như dưới chân các toà văn phòng lớn, dưới sảnh chung cư hoặc các khu trung tâm thương mại,… giúp cho Highlands Coffee dễ dàng thu hút được một lượng lớn khách hàng.
Về phong cách thiết kế, Highlands Coffee chuộng xu hướng hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc, chú trọng đến cà phê truyền thống. Đặc biệt, ở mỗi địa phương khác nhau, Highlands Coffee đều xây dựng concept đặc trưng của vùng đó. Nhìn chung, Highlands Coffee có phần hiện đại hơn, phù hợp với văn hoá công sở hoặc cho những khách hàng tầm 25-30 tuổi đổ lên.

Với mong muốn xây dựng một quán cà phê tạo cảm giác “về nhà” cho khách, The Coffee House lại khác hoàn toàn khi thiên về phong cách cổ điển, vintage nhưng trẻ trung hơn đôi chút so với Highlands Coffee. Màu sắc của quán nghiêng về các tông pastel như vàng, nâu nhạt,… và sử dụng đèn màu vàng để tạo cảm giác ấm cúng, thân thiện. The Coffee House còn đặc biệt chú trọng đến những khách hàng đi theo nhóm khi setup riêng những chiếc bàn dài cho 8-12 người ngồi được.
The Coffee House cũng tập trung nhiều vào việc kiến tạo không gian quán thoải mái, tràn ngập ánh sáng, tạo cảm hứng sáng tạo rất lớn cho các bạn trẻ, freelancers đến đây làm việc.
1.3. Sự khác biệt về menu của Highlands Coffee và The Coffee House
Bởi vì định hướng phát triển và cảm hứng sáng tạo của hai nhà sáng lập cũng khác nhau, vậy nên hai chuỗi cà phê nổi tiếng này đều những đặc điểm riêng biệt về hương vị và chất lượng sản phẩm.
Highlands Coffee xây dựng một thực đơn tương đối cơ bản, không quá cầu kỳ, không quá nhiều món để khách hàng dễ dàng chọn lựa. Xuất phát điểm là doanh nghiệp bán cà phê rang xay đóng hộp, vì thế cà phê của Highlands Coffee có phần đậm đà, thơm và đúng mùi cà phê rang xay hơn. Ngoài cà phê, Highlands Coffee còn có những món đồ uống khác cũng nổi bật không kém như dòng freeze hay trà sen vàng thơm ngậy.
Về mức giá lẫn độ đa dạng, thực đơn này của Highlands Coffee hợp với phân khúc dân văn phòng, đòi hỏi cao về hương vị của đồ uống, họ không tiêu dùng theo trend mà lựa chọn sản phẩm dựa trên chất lượng.

So về độ trẻ trung, menu của The Coffee House có trẻ hơn một chút khi đưa thêm những món trà sữa khoái khẩu của giới trẻ vào hoặc những món ăn vặt như da cá chiên giòn. Tuy nhiên, cà phê và trà của The Coffee House thì không đậm đà và thơm như của Highlands Coffee, bù lại họ có dịch vụ chăm sóc khách hàng cực kì tốt.
Ngoài ra, The Coffee House còn chăm chỉ làm mới thực đơn theo mùa bằng cách đưa ra thêm những đồ uống mới, hay cho ra mắt đồ uống vào các dịp đặc biệt như Giáng Sinh hay ngày Tết,… đưa thêm những đồ uống mới lạ vào menu để tăng trải nghiệm của khách hàng. Bảng giá đồ uống The Coffee House cũng không quá cao, dao động trung bình từ 35.000 – 45.000 đồng, rất phù hợp với lứa tuổi sinh viên và người đi làm trẻ trung hiện đại.
Đúng như tiêu chí của chuỗi là xây dựng văn hoá “đi cà phê” chứ không đơn thuần là uống cà phê, The Coffee House chủ yếu tấn công vào trải nghiệm khách hàng chứ không xây dựng chiến lược thuần tuý quanh sản phẩm.
2. Trong khi Highlands Coffee tăng giá, The Coffee House đang làm gì?
2.1. Highlands Coffee tăng giá là hệ quả tất yếu khi lạm phát tăng cao
Sau một thời gian dài bị kiềm hãm vì dịch COVID-19, những tưởng ngành F&B sẽ có một cú bứt phá ngoạn mục khi trở lại trạng thái “bình thường mới”. Nhưng lạm phát đã lại xuất hiện và buộc các thương hiệu phải tìm ra cách để đương đầu với nó. Highlands Coffee chọn cách tăng giá menu từ 10-15%, cá biệt có những đồ uống còn lên tới 18%.
Với nhóm cà phê phin, ly cỡ vừa, Highlands Coffee tăng 4.000 đồng lên 39.000 đồng/ly, cỡ lớn tăng 6.000 đồng lên 45.000 đồng/ly, cỡ nhỏ giữ giá 29.000 đồng. Nhóm sản phẩm trà có mức tăng mạnh nhất: Giá bán các ly trà cỡ nhỏ và vừa đều tăng 6.000 đồng, ly lớn cỡ lớn tăng tới 10.000 đồng, từ 55.000 đồng lên 65.000 đồng/ly.

Phía Highlands Coffee giải thích việc tăng giá là do “tình hình biến động thị trường hiện nay”, giá xăng dầu, chi phí vận chuyển, nguồn nguyên liệu đầu vào, ngay đến cả những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt như cốc nhựa, bao bì, ống hút,… cũng đều tăng giá. Giá một ly cà phê tăng nhưng hãng cũng sẽ tìm cách để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.
Phản ứng lại với sự tăng giá này, hầu hết khách hàng của Highlands Coffee đều tỏ ra không mấy ngạc nhiên bởi tình hình chung của nền kinh tế là mọi thứ đều tăng giá, nhưng không phải ai cũng thông cảm. Trong bài thông báo tăng giá trên fanpage của Highlands Coffee, có thể thấy phần lớn ý kiến đều là than thở vì ngay đến cả giá cà phê cũng tăng trong khi chưa thấy lương tăng, một số người tỏ ra nghi ngại hay cũng có những người không ủng hộ và cho biết sẽ giảm tần suất đến cửa hàng.
2.2. Bảng giá đồ uống The Coffee House vẫn được giữ nguyên
Cùng phân khúc và gần như là đối thủ đáng gờm với Highlands Coffee nhưng đến nay, The Coffee House vẫn đang “án binh bất động”. Để vực lại hoạt động sau dịch và đối phó với lạm phát, “Ngôi Nhà Cà Phê” này đang tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tái cấu trúc, đón đầu xu hướng tiêu dùng mới đề ra đầu năm.
Theo một khảo sát của Nielsen Việt Nam về ảnh hưởng của Covid-19 đến hành vi của người tiêu dùng cho thấy, có đến 82% người tiêu dùng đã giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài. Chính vì vậy, thay vì tăng giá sẽ càng đánh mất đi số lượng khách hiện đang ít dần đi, bảng giá The Coffee House vẫn được giữ nguyên. Đồng thời, thương hiệu hướng đến mục tiêu đưa khách hàng trở lại thói quen dùng tại quán, đồng thời phân phối sản phẩm đa kênh.

The Coffee House đã cho ra mắt thêm dòng sản phẩm trà Hi-Tea. Với hương vị thơm ngon hấp dẫn và dễ dàng phù hợp với khẩu vị của mọi lứa tuổi, trà Hi-Tea được The Coffee House kỳ vọng sẽ giúp hãng tăng thêm doanh thu, thu hút thêm khách hàng dần trở lại với quán như thời kỳ trước dịch.
Tương tự như vậy, The Coffee House tiếp tục ra mắt sản phẩm CloudFee, gồm 2 dòng sản phẩm là Creamy và Creme Brulee. Đây cũng sẽ là “điểm sáng” mới trong menu của The Coffee House sắp tới.

Ngoài ra, The Coffee House cũng đang đẩy mạnh mô hình kiot khi mở thêm các kiot nhỏ trong hệ thống siêu thị Kingfood Mart và Co.op Food. Với mô hình cửa hàng nhỏ gọn tích hợp này, các kiosk The Coffee House chỉ tập trung bán những món đồ uống cơ bản nhất để phục vụ các khách hàng mang đi là chính. Đây được xem là động thái để thương hiệu cà phê này có thể chuyển mình phù hợp với xu hướng ăn uống sau đại dịch.
Không dừng lại tại đó, The Coffee House còn có tham vọng ra mắt thêm mô hình xe đẩy, cạnh tranh trực tiếp với những xe cà phê bình dân hút khách với mục tiêu là mang đến một The Coffee House thu nhỏ khắp Việt Nam.
Xem thêm: C i e l Coffee – Quán cafe tone trắng “đốn tim” gen Z có gì đặc biệt?
3. Kết luận
Tăng giá sản phẩm là một điều gần như không thương hiệu nào mong muốn bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua sắm của các “Thượng Đế”. Tuy nhiên, để đối phó với lạm phát ngày một tăng cao, mỗi chuỗi cà phê lại có một phương thức xoay sở riêng, nhưng phương thức ấy hiệu quả đến đâu thì vẫn cần thời gian để đánh giá!
Bạn có thể tham khảo thêm: