Trong một khảo sát gần đây của TouchBistro, có đến 70% thực khách thừa nhận mình sẽ hứng thú ghé thăm một địa điểm ăn uống thường xuyên hơn khi được giới thiệu bởi influencer – vì họ cho rằng quan điểm từ influencer thân thuộc và đáng tin cậy hơn.
Quả thực, con số này không hề nói dối. Ở thời điểm hiện tại, bắt tay truyền thông cùng influencer đang là hình thức “lôi kéo” khách hàng chiến lược cho không ít thương hiệu kinh doanh F&B. Thị trường influencer cho ngành F&B toàn cầu đã chạm ngưỡng con số 9,7 tỉ $ vào năm 2020. Và hiệu quả mà hình thức marketing này đem lại cũng không hề nhỏ, khi với mỗi một đô la bỏ ra, nhà hàng có thể thu lại doanh số tới 5 đô la.
Phải chăng, nếu bỏ qua hình thức marketing “on trend” này, đồng nghĩa với việc rất có thể bạn đang đánh rơi khoản doanh gấp 5 lần hiện tại? Vậy bạn có thể làm việc với các influencer như thế nào để truyền thông cho nhà hàng/cafe của mình? Hãy cùng iPOS.vn tìm cho mình câu trả lời trong bài viết sau đây.
Nội dung
1. Chân dung Influencer ngành F&B
Influencer là những người có sức ảnh hưởng tới tối thiếu +10.000 người trên mạng xã hội, về một lĩnh vực cụ thể, mà ở đây là F&B. Influencer thường “phất lên” nhờ việc đăng tải những nội dung mang tính quan điểm, gần như ở góc độ của một chuyên gia về những sản phẩm, dịch vụ, hay thương hiệu mà người theo dõi của họ quan tâm. Ngoài ra, những cá nhân này cũng vô cùng chăm chút về mặt hình thức đế đảm bảo sự xuất hiện của họ được đón nhận nhiều hơn.

Hiện nay, ở Việt Nam, influencer trong ngành F&B đã xuất hiện với tần suất dày đặc hơn trước, thậm chí còn có tính phân khúc hóa rất cao khi luôn rạch ròi trong việc đánh tới các người theo dõi cao cấp – trung cấp và bình dân. Cụ thể, ta có thể điểm mặt qua một vài cái tên nổi bật sau cùng phân khúc người theo dõi của họ:
1.1. Ninh Titô
Luôn giữ được sức nóng cho hình ảnh của bản thân, Ninh Titô đã trở thành cái tên quen thuộc với cộng đồng những tín đồ ẩm thực khắp cả nước. Hiện Ninh Titô đang sở hữu tài khoản Instagram @Ninheating với 215 nghìn followers và có xu hướng tăng hàng ngày. Thêm vào đó, anh chàng còn có một kênh Youtube nhận được nút bạc với tổng 803 nghìn Subscribers. Độ phổ biến của anh chàng rất rộng trong giới trẻ nhất là những người ở độ tuổi từ 16-24 tuổi.
Nội dung mà Ninh chia sẻ khá đa dạng từ du lịch, làm đẹp, kỹ năng sống và tất nhiên là cả ẩm thực – điều làm nên thương hiệu của Ninh. Hiện anh đã và đang hợp tác với các thương hiệu lớn như: GrabFood, Vivo… và vô số nhà hàng nổi ngành F&B tại khu vực Hà Nội, cũng như các Resort 5 sao.
1.2. Ăn Sập Sài Gòn
Ăn sập Sài Gòn hiện đang là influencer hàng đầu trong lĩnh vực F&B tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh với hơn 193 nghìn lượt Followers trên Instagram, cùng 65k Sub trên Youtube. Với phương châm nhắm vào các quán vỉa hè, có đồ ăn đường phố ngon, bổ, rẻ, thì anh chàng này sẽ đến và đánh giá chúng, anh được mệnh danh là “reviewer bình dân” và rất có sức ảnh hưởng đến những đối tượng thực khách phổ thông..
Ăn sập Sài Gòn hiện đã hợp tác cùng rất nhiều thương hiệu ngành F&B có tiếng như: GrabFood, Coca-Cola, hay The Coffee House…
1.3. No Food Phobia
No Food Phobia tên thật là Vũ Mỹ Linh, là influencer nổi tiếng ở thủ đô với 87% lượng fan đến từ Hà Nội. Sở hữu gần 90 nghìn followers trên Instagram, cô nàng luôn có sức hút đặc biệt cho mình bởi sự tươi tắn, trẻ trung khi review các quán xá.
Độ tuổi trung bình fan theo dõi của cô rơi vào khoảng 13-17 và 95% là nữ giới, do vậy, No Food Phobia đặc biệt rất được lòng các thương hiệu đề cao tính thẩm mỹ, có lợi thế về địa điểm “check-in”. Cô đã từng hợp tác với các thương hiệu như: Runam Bistro, Tous les Jours…
1.4. Trang Nhím
Di chuyển xuống thành phố Hải Phòng, Trang Nhím sẽ là cái tên hoàn hảo giúp bạn điểm danh các món ngon hàng đầu của nền ẩm thực đặc sắc phố Cảng. Với những hình ảnh bắt mắt và hình thức review nhẹ nhàng, chân thực, Trang Nhím đã chiếm được ảm tình của 110 nghìn followers trên Instagram.
Đối tượng người theo dõi của Trang Nhím chủ yếu là thực khách phổ thông, có tính bản địa cao, nên các nhãn hiệu ngành F&B như Lotteria, Hotpot story, Popeyes… đã chủ động hợp tác với cô để đẩy mạnh nhận diện thương hiệu của mình.
1.5. Nhà của Coffeeholic
Những người nghiện đi cà phê hẳn không thể bỏ qua việc follow @nhacuacoffeeholic. Tài khoản này có gu quán xá rất ấn tượng và luôn đưa ra cho mọi người những gợi ý vô cùng thú vị. Hiện trang Instagram này đang thu hút về 195k Followers, cùng với đó là lượt tương tác rất lớn.
Nhà của Coffeeholic là địa chỉ uy tín và cực có tâm trong việc review địa điểm cà phê, homestay hay những nơi lung linh cho các bạn trẻ “sống ảo”.
Đọc thêm: Food Reviewer – Thích nghi và “sống sót” qua mùa dịch
2. Hướng dẫn lựa chọn và kết nối influencer cho nhà hàng
Quy mô và độ phù hợp với thương hiệu (thực đơn, hình ảnh, đối tượng khách hàng,..) là ưu tiên hàng đầu bạn cần phải cân nhắc khi muốn lựa chọn bắt tay truyền thông cùng một influencer.
2.1. Tìm kiếm influencer
Thông thường, một Influencer (<100k Follower) sẽ phù hợp với những nhà hàng có quy mô lớn, mô hình chuỗi. Còn nếu bạn đang kinh doanh một nhà hàng nhỏ hoặc vừa, hãy hợp tác với những Micro Influencer (<10k follower) trong khu vực bạn kinh doanh để tiết kiệm chi phí. Lưu ý, hãy xem xét chất lượng follower của influencer. Đừng bao giờ hợp tác với các cá nhân có lượng lớn người theo dõi ảo, mua likes, mua followers.

Bên cạnh quy mô, mỗi Influencer sẽ tác động đến 1 phân khúc khách hàng cụ thể, vì vậy hãy cẩn thận khi trao quyền cho họ review về nhà hàng của bạn.
Chẳng hạn: Nếu bạn đang cố gắng xây dựng một thương hiệu Fine Dining – cao cấp, sang trọng thì việc mời một influencer chuyên review các hàng quán ăn vỉa hè về đánh giá có thể làm tổn hại đến thương hiệu của bạn, gây nhầm lẫn cho thực khách.
2.2. Liên lạc và kết nối với influencer
Nếu không có quá nhiều thời gian để tự mình liên lạc và hợp tác với Influencer, bạn có thể nhờ cậy tới các agency booking Influencer để đưa ra lựa chọn. Thường thì bạn sẽ tốn thêm chi phí cho giai đoạn này, nhưng đổi lại, tốc độ liên lạc cũng như tỉ lệ hợp tác cùng influencer ưng ý sẽ cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn tự làm để tối ưu chi phí hơn, bạn có thể tìm kiếm thông tin những influencer phù hợp rồi gửi lời mời hợp tác qua những kênh làm việc chính thống của họ và và chờ đợi phản hồi.
Ngoài ra, bạn có thể tạo một trang thông tin liên lạc trang web để những người có ảnh hưởng có thể chủ động tìm đến bạn! Hãy chắc chắn nó gồm một bảng mô tả cụ thể, chi tiết dễ hiểu để hạn chế phải từ chối quá nhiều lời đề nghị.
2.3. Ngân sách booking influencer
Nếu không có quá nhiều kinh phí để chi trả cho việc thuê Influencer, bạn có thể cân nhắc tới những hình thức trao đổi quyền lợi khác, như tặng voucher hay mời dùng bữa miễn phí. Với nhiều Influencer chưa có sức ảnh hưởng quá lớn, thì việc nhận được một bữa ăn miễn phí và có cơ hội là người đầu tiên trải nghiệm một thương hiệu mới đã là một thương vụ hợp tác “có lời”.
Còn nếu như thương hiệu của bạn có ngân sách marketing khủng, sẵn sàng chi tiền để phủ sóng hình ảnh thì câu chuyện lúc này sẽ hoàn toàn khác. Ban có thể suy nghĩ bỏ ra từ 10~15% ngân sách để bắt tay cũng những influencer phù hợp cho chiến dịch
3. Các hình thức hợp tác hiệu quả cùng influencer
Sau khi đã lựa chọn và hợp tác được cùng một influencer ưng ý, bước tiếp theo bạn cần làm là xác định hình thức cộng tác với họ:
3.1. Viết bài review, đánh giá về thương hiệu (trải nghiệm dịch vụ, chất lượng đồ ăn,…)
Đây là hình thức cộng tác đơn giản và có chi phí dễ thở nhất, tuy nhiên, nếu được tận dụng đúng cách thì vẫn có thể đem lại kết quả ấn tượng. Bởi lẽ, hình thức review đồ ăn giờ đây được đại đa số bộ phận những người sành ăn quan tâm. Thêm vào đó, với sức nặng từ lời nói của influencer, gần như thương hiệu của bạn sẽ ngay lập tức thu hút được sự chú ý của khách hàng.
Tuy nhiên, hình thức này chỉ phù hợp để tăng tương tác và nhận diện thương hiệu trong thời gian ngắn, không có tầm ảnh hưởng lâu dài lên tâm lý người tiêu dùng. Vậy nên tốt nhất, hãy sử dụng hình thức này khi bạn mới khai trương, hoặc vừa ra món mới, menu mới để kích cầu đột biến trong thời gian đầu.

Lưu ý, hiện nay những bài review của influencer rất đề cao tính trung thực, nên hãy đảm bảo dịch vụ và sản phẩm của bạn thật sự chất lượng để nhận về những đánh giá tích cực. Chắc chắn sẽ không một ai chịu hợp tác với bạn để “ăn không nói có”, làm ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân của họ.
Đọc thêm: Instagram – Công cụ tiếp thị hiệu quả cho doanh nghiệp F&B
3.2. Tổ chức các cuộc thi với influencer làm host
Các cuộc thi “vui chơi có thưởng” của nhà hàng/quán cafe luôn là một hình thức quảng cáo hấp dẫn, giúp nhà hàng tiếp cận được với những khách hàng mới và gia tăng lòng trung thành với khách hàng cũ. Những con số đã chứng minh điều này khi trên thực tế, trung bình các thương hiệu F&B toàn cầu đã có thể kéo được sự chú ý của 17.500 thực khách từ mỗi cuộc thi.
Với sức ảnh hưởng của Influencer, con số này sẽ không chỉ ngừng lại ở đây. Là chiếc “cầu nối” hoàn hảo, Influencer có thể đưa cuộc thi tiếp cận tới nhiều thực khách hơn nữa, sẵn sàng biến cả chiến dịch của bạn trở nên viral hơn bao giờ hết.
Trong hình thức cộng tác này, hãy nhờ cậy Influencer quảng bá về cuộc thi của bạn trên tài khoản xã hội của họ. Nội dung quảng bá nên bao gồm nội dung cuộc thi, hình thức và thể lệ tham gia đồng thời là các gói giải thưởng hấp dẫn đi kèm. Nếu được, bạn nên khuyến khích Influencer tương tác nhiều hơn ngay trong những nội dung quảng bá để kích cầu người tham gia.
Thậm chí, nếu ngân sách cho phép, bạn hoàn toàn có thể mời influencer là người trực tiếp host cuộc thi và trao giải. Những follower của influencer đó chắc chắn sẽ nóng lòng tham dự hơn bao giờ hết, thậm chí còn rủ rê thêm cả người thân và bạn bè tham dự để tăng cơ hội đoạt giải. Hiệu ứng truyền thông cho cuộc thi, có thể nói, lúc này sẽ đạt tới đỉnh điểm!
3.3. Hợp tác hình ảnh, biến Influencer thành đại diện thương hiệu
Thay vì những chiến dịch truyền thông đơn lẻ, bạn hoàn toàn có thể hợp tác dài hạn với Influencer qua việc biến họ trở thành đại sứ của thương hiệu. Hình thức này tuy tốn kém và cần có chiến lược cụ thể hơn, tuy nhiên, kết quả mà nó đem lại sẽ kéo dài trong dài hạn, xứng đáng để bạn cân nhắc nếu có kinh phí.
Đại sứ thương hiệu sẽ tham gia vào mọi hoạt động của bạn, từ lên bài truyền thông, host các cuộc thi, sự kiện hay thậm chí là đại diện hình ảnh xuất hiện trên sản phẩm, dịch vụ, các ấn phẩm đại chúng.
Việc hợp tác toàn diện, đính kèm hình ảnh của influencer mọi lúc mọi nơi sẽ giúp thương hiệu có thể:
- Mở rộng tệp khách hàng, tỉ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng người theo dõi của Influencer
- Nuôi dưỡng đội ngũ khách hàng trung thành lớn mạnh – là tệp fan cứng của Influencer đang bắt tay hợp tác.
- Xây dựng hình ảnh thân thiện hơn với công chúng – kết nối được về mặt cảm xúc với khách hàng, khi tương tác của họ với thương hiệu giờ đây là giữa người với người.

Ngoài 3 hình thức cộng tác trên, còn rất nhiều hình thức cộng tác thú vị khác với kinh phí cùng độ phủ sóng rất khác nhau để bạn thử nghiệm. Quan trọng là hãy cân nhắc xem hình thức nào sẽ phù hợp nhất với chiến lược truyền thông và phát triển mà thương hiêu bạn đang hướng đến.
4. Tạm kết
Cộng tác cùng Influencer về bản chất chính là hình thức marketing truyền miệng 4.0, với tốc độ lan truyền và mức độ thu hút “khủng” vượt xa những hình thức truyền thông khác – tất nhiên, nếu được thực hiện đúng.
Hy vọng, thông qua bài viết trên đây, bạn đã có thêm những kiến thức cần thiết để bắt đầu hoàn thiện chiến lược marketing thương hiệu của mình với Influencer. Và đừng quên theo dõi website và fanpage của iPOS.vn để cập nhật thêm nhiều nội dung bổ ích trong tương lai!
Bạn có thể tham khảo một số phần mềm để vận hành nhà hàng, quán cafe trơn tru hơn nhé!
Phần mềm quản lý quán cafe chuyên nghiệp, dễ sử dụng nhất
Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay