Sự kiện tọa đàm trực tuyến Bứt tốc ngành F&B hậu Covid-19 đã diễn ra thành công tốt đẹp vào sáng ngày 27/04/2022 vừa qua. Chương trình có sự góp mặt của 3 diễn giả: Diễn viên Lan Phương – Giám đốc Lalina Kids Cafe, bà Nguyễn Trúc Chi – Giám đốc Green F&B Việt Nam và ông Vũ Thanh Hùng – Giám đốc công ty iPOS.vn.
Chương trình được phát trực tiếp trên Fanpage chính thức của iPOS.vn & KBank Việt Nam, và tiếp sóng trên Fanpage Theanh28 Entertainment. Chương trình kỳ vọng mang đến bức tranh tổng quan về ngành kinh doanh ẩm thực và đồ uống trong suốt 2 năm đại dịch, đồng thời nhận diện tính liên kết và tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong lĩnh vực này. Tọa đàm đã thu hút được nhiều sự chú ý của các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi chủ đề bổ ích này.
Hãy cùng iPOS.vn nhìn lại những chia sẻ thực tế của các diễn giả tại tòa đảm nhé!

Tọa đàm bao gồm 2 phần chính, phần đầu là những chia sẻ về sự ảnh hưởng của Covid-19 tới ngành F&B tại Việt Nam, phần 2 là Chiến lược phục hồi & phát triển sau cơn đại dịch Covid-19.
Phần 1: Nhận định sự ảnh hưởng của Covid-19 tới ngành F&B tại Việt Nam
Trong phần mở đầu, 3 diễn giả chia sẻ những ấn tượng khi nhìn lại năm 2021 của thị trường F&B Việt Nam, “thích ứng” là cụm từ được nhắc tới nhiều nhất.
Chia sẻ về chiến lược để giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong đại dịch, Bà Lan Phương đánh giá khi đối mặt với tình thế đó, việc đầu tiên cần làm chuyển đổi mô hình kinh doanh từ offline sang online và ưu tiên phương sử dụng phương thức delivery (giao hàng). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng phương án để giữ chân nhân viên và đảm bảo cuộc sống cho họ. Hơn thế nữa, doanh nghiệp cần tuân thủ và áp dụng tối đa các phương pháp phòng chống dịch theo quy định để mang tới không gian an toàn nhất cho khách hàng khi tới sử dụng dịch vụ.

Đứng trên cương vị Giám đốc công ty chuyên cung cấp các giải pháp quản lý công nghệ cho ngành F&B, Ông Vũ Thanh Hùng nhận định việc sử dụng các giải pháp công nghệ trong bối cảnh đó là tất yếu để giải quyết bài toán trên. Câu chuyện về chuyển dịch mô hình kinh doanh đúng lúc, đúng thời điểm, cùng việc phân bổ đúng nguồn lực sẽ giúp doanh nghiệp trong ngành tồn tại trong những thời điểm khó khăn.
Điều này được chứng minh trong thời gian dịch bệnh, iPOS đã phát triển và ra mắt sản phẩm iPOS WebOrder – một kênh bán hàng hoàn toàn miễn phí dành riêng cho các chủ doanh nghiệp. Sản phẩm đáp ứng các tiêu chí như đơn giản, nhanh chóng, tự động kết nối với các đơn vị giao hàng, giúp hỗ trợ tối đa cho các chủ kinh doanh F&B “sinh tồn” trong dịch bệnh.
Tiếp nối câu chuyện trên, Bà Trúc Chi chia sẻ về câu chuyện thói quen tiêu dùng mới của các nhóm khách hàng từ thu nhập cao tới thu nhập trung bình tại Việt Nam sau dịch Covid-19. Bà đánh giá dịch bệnh không làm ảnh hưởng tới thói quen tiêu dùng của khách hàng thượng lưu, do với mức sống thu nhập cao, nhóm khách hàng này được đáp ứng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ và được bảo hộ trong các khu vực sống tách biệt. Trong khi đó khách hàng trung lưu hoặc người có thu nhập thấp, họ phải chật vật hơn trong giai đoạn dịch bệnh, do ảnh hưởng tài chính cá nhân, thu nhập suy giảm. Khi dịch bệnh đã tạm lắng, thông thường nhóm khách hàng này chủ yếu tập trung vào công việc và hạn chế việc nấu nướng, chính vì thế họ đi ăn ngoài và gọi giao đồ ăn nhiều hơn. Đây sẽ là lợi thế của ngành F&B khi trở lại “trạng thái bình thường mới.”
Phần 2: Chiến lược phục hồi & phát triển sau cơn đại dịch Covid-19
Có lẽ Chiến lược phục hồi & phát triển sau đại dịch Covid-19 là chủ đề mà không ít chủ doanh nghiệp F&B quan tâm.
Là một người trực tiếp kinh doanh trong ngành và là chủ sở hữu mô hình Premium Kids Cafe đầu tiên tại Hà Nội, bà Lan Phương đã chia sẻ những cách thức mà Lalina Kids đã và đang thực hiện để vượt qua rào cản trên, để giúp khách hàng yên tâm và tin tưởng khi tới sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh đó, bà chia sẻ thêm những khó khăn ban đầu của bản thân khi huy động nguồn vốn để bắt đầu khởi nghiệp. Trong buổi tọa đàm, bà tiết lộ ngoài vốn chủ sở hữu, bà đã huy động thêm từ nguồn lực gia đình để có thể bắt tay vào con đường kinh doanh. Là một người dám nghĩ dám làm, bà không có bất cứ thống kê chi tiết những con số hay bảng toán chi phí cụ thể nào, tuy nhiên việc đầu tư vẫn được cân nhắc tỉ mỉ để đảm bảo mọi chi phí nằm trong ngưỡng nhất định.
Đó là câu chuyện của những người chủ kinh doanh đã có sẵn nguồn vốn, nhưng ngược lại với những chủ kinh doanh nguồn vốn còn hạn chế sẽ không tránh khỏi những vấn đề khó khăn về dòng tiền khi bắt đầu khởi nghiệp.
Về vấn đề này, bà Trúc Chi nhận định: “Một trong những điểm yếu của ngành F&B là không có một hiệp hội chính thức nào hỗ trợ về nguồn vốn cho chủ doanh nghiệp, chủ yếu việc vay vốn vẫn dựa trên vay cá nhân hoặc vay tín chấp.”
Bà Trúc Chi cho rằng những giải pháp vay vốn này chưa hoàn toàn trọn vẹn, chỉ dừng lại ở mức tạm thời. Cần có những kết nối giữa các ngân hàng, phối hợp với bên công ty tư vấn – hỗ trợ vận hành trong ngành F&B để đồng hành và hỗ trợ với các doanh nghiệp có nhu cầu vay. Điều này tạo nên sự kết nối giúp 2 bên cùng có lợi, đặc biệt doanh nghiệp F&B được hoạch định, phân tích rõ ràng, đưa ra phương hướng kinh doanh khả thi để tránh những lãng phí xã hội.
Về phía Ông Vũ Thanh Hùng – người tiếp cận và làm việc trực tiếp với các chủ doanh nghiệp F&B ông cho rằng: “Vốn là vấn đề quan trọng giúp các doanh nghiệp duy trì trong và sau dịch. Tuy nhiên để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn là rất khó, do chủ kinh doanh không có những bản kế hoạch kinh doanh và số liệu về tài chính chi tiết, không có tài sản thế chấp,… vì vậy nguồn vốn chủ yếu đến từ gia đình bạn bè.”
Ông Hùng chia sẻ thêm: “Tuy nhiên, với sự phát triển và tăng trưởng tín dụng trong suốt những năm vừa qua, các thủ tục vay vốn có phần cởi mở hơn, nếu chứng minh được khả năng kinh doanh và dòng tiền. Hiện tại, chúng tôi cũng đã kết hợp với ngân hàng KBank của Thái Lan, dựa theo số liệu kinh doanh trong 3 tháng gần nhất để chứng minh, với dòng vốn khả dụng lên đến 100 triệu cho mỗi điểm bán hàng.
Tôi tin rằng, tài chính là giải pháp vô cùng thiết thực giúp vực dậy được thị trường F&B sau cơn bão đại dịch vừa qua.”
Bên cạnh việc đảm bảo nguồn vốn trong và sau dịch, việc đảm bảo mọi quy trình diễn ra tự động hóa, tăng trải nghiệm cho khách hàng và hạn chế tiếp xúc sau giãn cách là rất cần thiết, đặc biệt đối với khâu vận hành và quản lý. Chuyển đổi số hoàn toàn có thể đáp ứng những yếu tố trên, là giải pháp “cứu cánh” cho nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Về vấn đề trên bà Trúc Chi đánh giá: “Yếu tố công nghệ hỗ trợ đắc lực ngành F&B, điển hình như việc giảm thiểu thời gian làm việc của chủ kinh doanh, hạn chế chi phí nhân sự, dựa trên nền tảng số liệu giúp doanh nghiệp hoạch định phân tích, đưa ra quyết định kinh doanh nhanh chóng. Có thể thấy rằng, những doanh nghiệp vận dụng chuyển đổi số thành công trên thị trường, hiện nay đã đi tới giai đoạn tăng trưởng, bứt phá.”
Bà Lan Phương hoàn toàn đồng tình với ý kiến trên và chỉ ra những ưu điểm, mặt tích cực mà công nghệ đã mang đến khi áp dụng vào mô hình Premium Kids Cafe. Ngoài ra, bà khẳng định khi áp dụng công nghệ vào quản lý khiến mọi công việc trở nên dễ dàng hơn. Công nghệ hiện nay đang ngày một cải tiến, luôn có sự lắng nghe của khách hàng để thay đổi, hoàn thiện từng ngày.
Về phía ông Hùng, ông chia sẻ: “iPOS được thành lập từ năm 2010, thời điểm mà các nhà hàng và quán cafe vẫn quen với cách phục vụ truyền thống. Nhưng đến hiện tại rõ ràng việc sử dụng các giải pháp công nghệ như máy tính tiền và quản lý từ xa qua smartphone đã trở thành một quy chuẩn cho bất kỳ nhà hàng hay quán ăn mới mở nào tại Việt Nam. Điều đó cho thấy, xu hướng phát triển công nghệ đã giúp thay đổi hoàn toàn ngành F&B tại Việt Nam.
Chuyển đổi số len lỏi vào từng ngõ ngách, một quán ăn vỉa hè giờ đây cũng đã có mặt trên các ứng dụng giao đồ ăn như ShopeeFood hay GrabFood. Chuyển đổi số, hay nói cách khác là công nghệ đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mang lại sự thuận tiện cho khách hàng và tăng thu nhập cho các nhà bán hàng.
Theo tôi, những công nghệ mới sẽ tiếp tục được ra mắt trong năm 2022, giúp việc bán hàng trở nên hoàn thiện hơn. Khi các yếu tố kinh doanh được phát triển, các yếu tố như quản lý chi phí hay quản lý con người sẽ được đề cao, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí.”

Hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng, khi đại dịch Covid-19 qua đi, thị trường kinh doanh F&B sẽ có thêm nhiều bước tiến và tín hiệu khả quan. Từ những kinh nghiệm thực tế đã được các doanh nghiệp F&B tích lũy và trang bị trong quá trình dịch bệnh diễn ra, đây sẽ là tiền đề giúp thị trường có thể thích nghi và tồn tại trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt.
Tọa đàm đã khép lại với rất nhiều câu chuyện đáng nhớ. Sự kiện đã mang tới nhiều góc nhìn mới, thông tin đa chiều cho người theo dõi trong lĩnh vực F&B. Nếu chưa có cơ hội theo dõi Tọa đàm này, bạn có thể xem lại Tọa đàm Bứt tốc ngành F&B hậu Covid-19 Tại đây nhé!
Chương trình chân thành cảm ơn sự quan tâm của các diễn giả và các khán giả đã đồng hành, theo dõi xuyên suốt chương trình diễn ra. Sự thành công của Tọa đàm Bứt tốc ngành F&B hậu Covid-19 là do có sự đóng góp của quý vị. Hẹn gặp lại mọi người trong những sự kiện tiếp theo!