Trong thời buổi hiện nay, quảng bá thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội là một chiến lược marketing hiệu quả không thể thiếu với các nhà hàng, quán cafe. Trong đó, content nổi lên như một thành phần không thể thiếu. Nhiều thương hiệu bài bản đã tận dụng rất tốt content để làm chủ cuộc chơi quảng bá, nhưng vẫn còn đó các nhà hàng, quán cafe mắc nhiều lỗi sai cơ bản khi làm content, hoặc tệ hơn là không biết làm content.
Các chủ kinh doanh F&B hãy theo dõi những lỗi sai thường gặp trong việc xây dựng content cho nhà hàng, quán cafe trong bài viết dưới đây để tham khảo và rút kinh nghiệm trong thực tế. Cùng iPOS.vn tìm hiểu chi tiết nhé!
Nội dung
1. Content thiếu thông tin liên hệ
Nhiều thương hiệu khi xây dựng content trên mạng xã hội, do có phần sợ sệt bị đánh lỗi nội dung bán hàng khiến bài viết bị giảm lượt tiếp cận và tương tác nên thường không đính kèm thông tin liên hệ về thương hiệu. Đây là một trong những lỗi sai nghiêm trọng nhất khi làm content cho nhà hàng, quán cafe. Bỏ ra bao nhiêu công sức đầu tư viết nội dung hấp dẫn, thiết kế hình ảnh đẹp mắt để thu hút khách hàng cũng sẽ “đổ sông xuống bể” nếu thiếu thông tin liên hệ. Vì khi đó, bạn đã “tiễn” khách hàng ra đi ngay vào thời điểm họ muốn đặt hàng hay đặt bàn nhất.
Khách hàng khi đang có hứng thú về sản phẩm nhưng thoạt nhiên không tìm thấy bất cứ thông tin nào để liên lạc hay đặt hàng chắc chắn sẽ vô cùng khó chịu. Thậm chí, nhiều bài đăng khiến khách hàng phải “kéo hàng ki lô mét” mà vẫn không thấy thông tin cửa hàng ở đâu. Điều này có thể khiến họ đánh giá về trải nghiệm tiếp cận với quán không tốt, và sẽ không lựa chọn ghé thăm dù content có hay đến đâu đi chăng nữa.
Bởi vậy, đừng để khách hàng mất kiên nhẫn. Hãy luôn luôn chú ý đính kèm thông tin liên lạc trong các bài đăng để họ có thể dễ dàng tiếp cận với cửa hàng nhanh chóng, dễ dàng, mọi lúc mọi nơi. Thông tin liên hệ của một nhà hàng, quán cafe nên bao gồm đầy đủ:
– Tên thương hiệu và slogan
– Địa chỉ
– Số điện thoại (Hotline)
– Giờ mở cửa
– Menu thực đơn
– Đường dẫn Website, Facebook, Instagram (nếu có)

Xem thêm: Xây dựng nội dung và trang trí fanpage Facebook nhà hàng, quán cafe
2. Content “buôn chuyện” không liên quan đến thương hiệu
Rất nhiều thương hiệu sáng tạo content không hề có nội dung bài bản, mà chỉ chia sẻ những thông tin giải trí hay hóng “phốt” từ đủ các nguồn trên internet. Hình thức này có thể đem lại lượt thích và tương tác cao cho fanpage Facebook, nhưng không tiếp cận được đối tượng mua hàng tiềm năng. Nếu đăng tải những nội dung “buôn chuyện” này nhiều, khách hàng còn có thể quên mất trang thương hiệu đang kinh doanh – mà nhầm sang trang thông tin giải trí. Thậm chí về lâu dài nhiều người sẽ cảm thấy nội dung trên trang quá “rác” và quyết định bỏ theo dõi.
Thay vào đó, content hãy tập trung vào những tuyến nội dung sau:
– Tuyến nội dung về thương hiệu, sản phẩm (40%): Các bài viết trong tuyến nội dung này xoay quanh câu chuyện về sự ra đời của thương hiệu, câu chuyện về chủ quán và nhân viên,… Tiếp theo là phần nội dung được truyền tải với mục đích bán hàng, thường có chủ đề về giới thiệu sản phẩm, các chương trình ưu đãi và tri ân khách hàng, hướng dẫn cách thức và các kênh đặt hàng,…

– Tuyến nội dung hữu ích: Đây chính là những nội dung tạo ra “sợi dây” liên kết mối quan hệ giữa khách hàng và thương hiệu. Đối với nhóm nội dung này, cần bám sát vào đối tượng khách hàng để chia sẻ thông tin phù hợp như: Họ là ai? Có sở thích gì? Đang quan tâm tới điều gì? Có hành vi như thế nào? Khi đã thấu hiểu khách hàng, bạn sẽ tìm được chủ đề content phù hợp với họ. Ví dụ, nếu đối tượng khách hàng là học sinh, sinh viên trong khoảng 15 – 22 tuổi thì họ quan tâm đến những trend trên TikTok, đến chuyện học hành, tình yêu,…
– Tuyến nội dung tương tác: Để không trở thành “người độc thoại” với content của chính mình, hãy cập nhập thường xuyên những bài viết có nội dung thúc đẩy khách hàng tương tác. Chẳng hạn, nội dung “đu trend” đang hot trên mạng xã hội, tổ chức mini game hay hình thức livestream giao lưu hỏi đáp cũng kích thích khách hàng tích cực tương tác.
3. Content mang tinh thần tiêu cực
Thường xuyên đăng tải những nội dung mang không khí ảm đạm, u sầu cũng là một lỗi các chủ kinh doanh F&B nhỏ lẻ thường xuyên mắc phải – tuy nhiên hầu hết trong các trường hợp là do vô ý. Ví dụ bạn muốn nói về việc hàng quán muốn mở bán online, nhưng lại mở đầu như sau: “Ôi dịch bệnh chán quá các bác ạ, không bán hàng ăn tại chỗ thì em mở bán mang về, có bác nào hứng thú không ạ?”
Việc mở đầu câu chuyện bằng dịch bệnh vô hình trung nhắc khách hàng “phải nhớ” về tình hình dịch căng thẳng, về những khó khăn mà họ đang đối mặt trong cuộc sống. Liệu ai còn tâm trạng ăn uống nữa không? Đó là còn chưa nói đến việc cách viết khiến cho khách hàng cảm thấy bạn chỉ mở bán cho vui, không tâm huyết, không chú trọng để chất lượng giao hàng.

Vì vậy, thay vì “nói dài nói dai thành nói dại”, bạn chỉ nên tập trung vào chính sản phẩm của mình, hạn chế tối đa những thông tin về tình hình dịch bệnh, môi trường xung quanh hay những tin tức “độc hại” không liên quan đến thương hiệu. Bạn không nhất thiết phải đưa đến những content “bay cao bay xa” quá so với thực tế, nhưng nên truyền tải thông tin dưới một “lăng kính tích cực” và lạc quan hơn của vấn đề để khách hàng cảm thấy thoải mái, thư giãn. Tinh thần của khách hàng cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định có đặt hàng hay không, từ đó tác động đến doanh thu của nhà hàng, quán cafe.
Cũng là muốn truyền tải thông tin rằng bạn đang muốn bán online, tại sao không tìm một hình thức truyền tải khác thay thế, chẳng hạn như “Ở nhà tất bật, đã có chúng tôi lo tất. Công thức để có một ngày “work from home” hoàn hảo là làm hết sức, ăn hết mình. Đặt ngay lẩu nướng ABC – món ngon tại gia chuẩn bị nhà hàng để nạp năng lượng làm hết sức nhé các thực thần ơi!” Bạn có nhận ra sự khác biệt giữa hai cách truyền tải nội dung? Nếu như cách nói bên trên khiến mọi người chán nản, thì thông điệp bên dưới rõ ràng đem lại năng lượng tích cực, kích thích mọi người muốn đặt hàng ngay lập tức.
4. Content quá tham lam chi tiết
Trên thực tế, nhiều hàng quán lại quá “tham chi tiết” khi làm content trên mạng xã hội. Chẳng hạn như kể câu chuyện khởi nghiệp dài như tờ sớ 30 tết với 7749 khó khăn hay nói về một sản phẩm dân dã nhưng muốn thể hiện mình là “chuyên gia trong làng bán hàng” nên bằng tìm cách bê hết từ A đến Z thông tin về món ăn, thức uống trong một bài viết. Những nội dung như vậy thường khiến khách hàng bị “ngợp” và “quá tải” khi phải tiếp nhận quá nhiều thông tin cùng một lúc nhưng cuối cùng không lưu lại một chút ấn tượng nào cả.

Một ví dụ khác về content trên Facebook của một quán lẩu ếch nói rằng “từ những con ếch thô ráp sần sùi, chúng tôi đã bỏ hết xương sống, nội tạng, các đường gân chỉ,… để tránh giun sán, sau đó dùng công thức bí quyết gia truyền để mang đến hương vị lẩu ếch thơm ngon,…” Vậy ấn tượng của khách hàng về món ăn đó có gì ngoài… tưởng tượng về những con ếch sống sần sùi không? Khách hàng không cần biết cách bạn sơ chế ếch như thế nào, họ chỉ quan tâm đến thành phẩm và món ăn họ thưởng thức.
Thay vào đó, bài viết nên tập trung vào hương vị của món ăn hơn là cách làm: “Những ngày mưa lạnh, cùng ngồi quây quần với gia đình thưởng thức một nồi lẩu ếch măng cay nóng hổi thơm ngon là lựa chọn hàng đầu phải không? Những đùi ếch to, chắc thịt, ngấm gia vị trong nồi nước lẩu đậm đà vị sa tế cay tê lưỡi cùng vị chua của măng tươi giòn sần sật khiến bạn không thể chối từ.”
Để khắc phục lỗi content này, bạn nên bóc tách nội dung theo từng khía cạnh nhỏ, mỗi content chỉ nói về một khía cạnh, nhưng nên nói ngắn gọn, dễ hiểu và kèm câu chuyện gắn với nó sẽ khiến khách hàng đọc thấy hấp dẫn, gần gũi và đồng cảm hơn. Quan trọng trên hết là hãy quan tâm đến khách hàng muốn gì, quan tâm đến điều gì để truyền tải nội dung phù hợp.
Hy vọng những gợi ý trên sẽ giúp các chủ quán F&B tránh được sai lầm khi xây dựng content và có thêm ý tưởng để sáng tạo những nội dung chất lượng hơn trên các mạng xã hội. Chiến lược content được thực hiện một cách chỉn chu và bài bản là yếu tố giúp các nhà hàng, quán cafe gia tăng hiệu quả truyền thông tối đa.
Bạn có thể tham khảo một số phần mềm sau để công việc vận hành quán trở trơn tru hơn nhé!
Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay