Thị trường ứng dụng giao đồ ăn tại Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và tiềm năng lớn. Một nghiên cứu của GCOMM tại Việt Nam chỉ ra 99% người thành thị đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần/tháng, trong đó có tới 39% đặt món qua các ứng dụng. Có thể nhắc đến một vài cái tên quen thuộc như ShopeeFood, GrabFood, Beamin, Gojeck,… Những dịch vụ này liên tục cạnh tranh nhau bằng cách đưa ra hàng hoạt các chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn. Vậy các ứng dụng này hoạt động như thế nào? Thu tiền từ đâu? Hãy cùng tìm hiểu công thức kiếm tiền của các ứng dụng giao đồ ăn trong bài viết dưới đây!
Mặc dù mức độ cạnh tranh lớn nhưng dịch vụ giao đồ ăn vẫn là một mô hình đầy tiềm năng và có nhiều cách để sinh lời. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên Euromonitor cùng nhiều đơn vị bên thứ ba khác định giá thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam sẽ có giá trị khoảng 38 triệu USD vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm. Vậy công thức kiếm tiền của các ứng dụng giao đồ ăn là gì? Cùng iPOS.vn tìm hiểu chi tiết nhé!
Nội dung
1. Thu hoa hồng từ phí giao hàng
Các ứng dụng giao đồ ăn đóng vai trò là cầu nối giữa khách hàng và nhà hàng. Bởi vậy, việc hợp tác giữa dịch vụ giao hàng và ứng dụng giao đồ ăn là công thức hai bên cùng có lợi. Mặc dù nghe có vẻ là một chiến lược đơn giản, nhưng đây là cách kiếm tiền hiệu quả và có lợi của các ứng dụng giao đồ ăn.

Trong phí vận chuyển mà các tài xế thu tiền từ khách hàng, họ sẽ phải trích ra một phần hoa hồng cho các ứng dụng giao đồ ăn. Có nhiều mức chiết khấu khác nhau cho mỗi đơn hàng, nhưng phần lớn các ứng dụng giao đồ ăn đang áp dụng 20% phí vận chuyển. Điều này đồng nghĩa mỗi đơn hàng có phí vận chuyển khoảng 15.000 đồng, các ứng dụng thu về 3.000 đồng. Khi quãng đường vận chuyển xa hơn dẫn đến cước phí cao hơn, các ứng dụng càng thu được nhiều chiết khấu hơn. Cứ như vậy, các ứng dụng giao hàng sẽ thu được lợi nhuận.
Để tối ưu nguồn thu này, các ứng dụng cần đảm bảo tài xế đối tác giao đồ ăn càng “bận rộn” càng tốt. Đó cũng chính là lý do các ứng dụng giao hàng sẵn sàng mạnh tay tung ra các chương trình khuyến mãi để xây dựng thói quen sử dụng cho khách hàng. Khi thu hút được càng nhiều khách hàng, tài xế đối tác sẽ gắn bó với ứng dụng hơn, từ đó giúp gia tăng doanh thu từ chiết khấu.
Đọc thêm: Phụ thuộc vào các ứng dụng giao hàng: Lối thoát cho các nhà hàng truyền thống?
2. Thu hoa hồng từ nhà hàng
Việc hợp tác với các ứng dụng giao đồ ăn đem lại cho chủ thương hiệu nhiều lợi ích nổi bật như dễ dàng tiếp cận hàng triệu người dùng sử dụng ứng dụng mà không cần chạy các chiến dịch marketing, quảng cáo tốn kém. Đồng thời, tối ưu hóa quy trình vận hành, loại bỏ vị trí nhân viên bán hàng cũng như nhân viên giao hàng, vì shipper sẽ là người trực tiếp đi giao và khách hàng tự thanh toán cho khoản này. Với những lợi ích này, không ít chủ thương hiệu lựa chọn “bắt tay” cùng các ứng dụng giao đồ ăn.

Để hai bên cùng có lợi, các ứng dụng giao đồ ăn cộng tác với nhà hàng đối tác theo tỷ lệ hoa hồng được xác định trước, thông thường dao động từ 20-30% giá trị đơn hàng. Nhà hàng sẵn sàng trả chiết khấu cho ứng dụng giao đồ ăn để đổi lại lượng khách hàng trực tuyến dồi dào. Với mỗi đơn hàng đồ ăn uống trị giá 100.000 đồng, các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến có thể thu thêm chiết khấu 20.000 – 30.000 đồng từ các nhà hàng, cao hơn nhiều lần so với khoản thu từ tài xế đối tác. Mức hoa hồng có thể thay đổi tùy theo cấp độ nhà hàng, doanh thu trung bình và các yếu tố khác.
3. Tận dụng giờ cao điểm
Thông thường, giá đặt hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn sẽ tăng đột biến trong bữa trưa, bữa tối. Vào các khung giờ cao điểm, các ứng dụng giới hạn thực đơn cũng như địa điểm và tính thêm phí để cung cấp dịch vụ. Đây cũng là một trong những cách “kiếm tiền” thường thấy của các ứng dụng giao đồ ăn khi tính thêm một khoản phí bảo hiểm nếu giao hàng vào thời gian ngoài giờ hoặc giờ cao điểm.
Nhưng cần lưu ý rằng, không phải khách hàng nào cũng sẵn sàng trả một khoản phí bảo hiểm cho các dịch vụ. Họ có thể đợi để đặt hàng sau giờ cao điểm hoặc có thể chuyển sang một ứng dụng khác không tính thêm phí vào giờ cao điểm. Bởi vậy, hãy đưa ra chiến thuật khéo léo nếu muốn kiếm tiền từ các ứng dụng giao đồ ăn.
Đọc thêm: Những yếu tố quan trọng của dịch vụ giao đồ ăn để kinh doanh thành công
4. Thu từ quảng cáo và chương trình hợp tác
Không khó để thấy chương trình khuyến mãi của các nhà hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến. Các nhà hàng đối tác sẽ phải trả một khoản chi phí nhất định, trong một khoảng thời gian giới hạn để được quảng bá trên những nền tảng này thông qua các chương trình khuyến mại giảm giá.
Do nắm trong tay cơ sở dữ liệu người dùng khổng lồ bao gồm độ tuổi, giới tính, mức chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến, khẩu vị, các nền tảng “siêu ứng dụng” có thể đưa ra các chương trình quảng cáo khuyến mại hiệu quả cao và thu được doanh thu từ các hàng quán có nhu cầu.

Một khoản thu khác có thể đến từ quảng cáo trực tiếp của các nhà hàng. Nhiều nhà hàng sẵn sàng chi trả để có được vị trí đẹp, được hiển thị phía trên các nhà hàng khác trong kết quả tìm kiếm, giúp thu hút người dùng trên giao diện ứng dụng hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Từ đó, họ có cơ hội nhận nhiều đơn đặt hàng hơn, giúp gia tăng doanh số và lợi nhuận.
Bên cạnh những nguồn thu trên, các “siêu ứng dụng” thường đi kèm một ví điện tử. Ứng dụng giao đồ ăn giúp phát triển hệ sinh thái dịch vụ tiện lợi, khuyến khích khách hàng thanh toán bằng ví điện tử. Các nền tảng này sẽ thu lợi như một doanh nghiệp ví điện tử nhờ lượng tiền lớn luân chuyển trong hệ sinh thái.
Mỗi ứng dụng sẽ có những chiến lược giá riêng của mình. Chẳng hạn như ShopeeFood sẽ thu một khoản phí đăng ký gian hàng là 1.000.000 VNĐ, không có nhiều quảng cáo rầm rộ như GrabFood hay Baemin nhưng họ lại có lợi thế cạnh tranh bởi cộng đồng thành viên thành viên lâu năm từ Foody. Ngoài ra, ShopeeFood cũng không thu thêm bất cứ phí dịch vụ nào cho đối tác bán hàng của mình. Còn đối với GrabFood, không thu phí đăng ký gian hàng như ShopeeFood nhưng lại có mức chiết khấu cao hơn, ngoài ra còn tính các chi phí phụ như phí dịch vụ tùy theo loại hình nhà hàng, thấp nhất là 2.000.000 đồng và cao nhất là 12.000 đồng cho mỗi đơn hàng.
Ngành dịch vụ đặt món và giao hàng qua ứng dụng ngày một phát triển và thay đổi cách thức mua bán của thị trường. Trong tương lai, việc mở rộng thị trường ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến không chỉ đem lại thuận lợi cho các ứng dụng mà còn tạo cơ hội cho nhiều nhà hàng, quán nhỏ không có điều kiện mở mặt bằng, tạo nên thị trường dịch vụ ăn uống phong phú.
Bạn có thể tham khảo một số phần mềm sau để vận hành kinh doanh trơn tru hơn nhé!