Ngành dịch vụ ăn uống được nhận định là một trong những thị trường kinh doanh khốc liệt nhất hiện nay. Nếu không đẩy mạnh các chiến lược marketing, thương hiệu sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị “chìm nghỉm”, lùi về phía sau và nhường chỗ đứng cho các đối thủ khác. Trong đó, sáng tạo ra những “content chất” – nội dung độc đáo chính là một chiêu thức lợi hại để ghi điểm và tạo ấn tượng với khách hàng.
Vậy, nội dung thế nào được đánh giá là “content chất”? Bạn đã biết tận dụng “vũ khí quyền năng” này để truyền thông cho nhà hàng, quán cafe của mình? Hãy cùng iPOS.vn theo dõi ngay trong bài viết dưới đây.
Nội dung
1. Vì sao các thương hiệu F&B nên đầu tư vào content marketing?
Thị trường F&B ngày càng nóng bỏng với sự cạnh tranh khốc liệt từ những “ông lớn” trong nước, những thương hiệu nước ngoài và cả những “tân binh” mới toanh đang tràn trề “sức chiến” ra nhập. Các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh sẵn sàng đầu tư để có vị trí mặt bằng đẹp, để thực hiện các chiến dịch quảng cáo với chi phí hàng tỷ đồng, tìm mọi cách “đấu đá” và “xâu xé” để đưa thương hiệu của mình vươn lên vị trí dẫn đầu. Vậy lối đi nào dành cho những nhà hàng, quán cafe mô hình tầm trung và nhỏ? Với số vốn “khiêm tốn” trong tay, làm thế nào đứng vững trên thị trường dịch vụ ăn uống F&B đang cạnh tranh khốc liệt?
Thời đại công nghệ 4.0 hiện nay là giai đoạn bùng nổ của những chiến dịch marketing online. Các thương hiệu nhà hàng, quán cafe hoàn toàn có thể quảng bá sản phẩm tới khách hàng mà không cần tốn kém quá nhiều chi phí nếu có chiến lược hợp lý. Thay vì “đâm đầu” chi trả một khoản ngân sách “khủng” để chạy quảng cáo, content marketing (tiếp thị bằng nội dung) vừa tiết kiệm chi phí, vừa đem lại hiệu quả về lâu về dài cho thương hiệu.
Hơn nữa, việc sáng tạo những “content chất” sẽ tiếp thị cho sản phẩm, thương hiệu một cách khéo léo. Trước khi bán được hàng, bạn cần làm “bạn” với khách hàng, và nội dung sẽ giúp bạn làm điều đó. Nội dung có giá trị không những giúp họ từ những người “quan tâm” trở thành khách hàng, mà còn biến họ trở thành những người quảng bá, giới thiệu cho thương hiệu của bạn. Tóm lại, content marketing giúp doanh nghiệp vừa có thể tăng độ nhận diện thương hiệu, vừa thúc đẩy gia tăng doanh số và xây dựng tệp khách hàng trung thành bền vững.
Xem thêm: 8 bước đơn giản lập kế hoạch marketing quán cafe hiệu quả
2. Phân loại các loại content ngành F&B và kênh đăng tải phổ biến
2.1. Những định dạng content phổ biến trong ngành F&B
Dựa theo hình thức nội dung, content được chia thành hai loại: định dạng văn bản và định dạng ảnh/video. Bạn có thể linh hoạt áp dụng cả hai định dạng này để sáng tạo nội dung trên các phương tiện truyền thông của thương hiệu để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, với đặc thù ngành dịch vụ ăn uống F&B, định dạng hình ảnh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc truyền tải sức hấp dẫn của những món ăn, thức uống.
Dựa trên định dạng nội dung, dưới đây là một số loại content sử dụng với mục đích marketing cho nhà hàng, quán cafe phổ biến nhất:
– Bài viết: Đây là dạng nội dung bạn nhìn thấy mỗi ngày trên Facebook, Blog,… Nội dung mà mọi người đang đọc đây cũng là một dạng bài viết. Trong bài viết không chỉ có định dạng chữ, mà còn có định dạng hình ảnh, video để nội dung hấp dẫn hơn.
– Album ảnh: Nội dung này bạn sẽ thường thấy ở những bài kiểu như “Tổng hợp các món gà ngon nhất của quán” và nội dung chính của nó sẽ là một loạt các hình ảnh về các món ăn khác nhau. Nhìn chung, giá trị của dạng nội dung này là khách hàng “xem đã mắt”, chọn lựa thoải mái.
– Video: Dạng nội dung video có khả năng truyền tải thông điệp một cách mạnh mẽ, sinh động. Tuy nhiên, đây là một dạng nội dung cần nhiều nguồn lực, thời gian và ngân sách để thực hiện.
– Infographic: Đây là một dạng “đồ họa thông tin”. Qua đó, các dữ liệu được trình bày cô đọng thông qua hình ảnh để người dùng không phải “mệt” khi đọc quá nhiều chữ.
– User-generated content: Dạng content do người dùng trực tiếp tạo ra, đóng góp quan điểm, suy nghĩ của mình vào kho nội dung của thương hiệu.
– Livestream: Chỉ mới xuất hiện và nở rộ trong vài năm trở lại đây, livestream đã sớm chứng tỏ được sức mạnh của mình. Định dạng này tác dụng hiệu quả hơn rất nhiều trọng việc tăng tương tác giữa người dùng và thương hiệu, nội dung được chia sẻ rộng rãi dễ dàng.
2.2. Những kênh đăng tải content hiệu quả ngành F&B
Trước khi bắt tay vào sáng tạo nội dung chi tiết, bạn cần biết mình sẽ đăng tải chúng trên những nền tảng nào để tối ưu định dạng content cho đúng. Để tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu dễ dàng, nội dung ngành dịch vụ ăn uống F&B thường phổ biến trên các kênh sau:
Các mạng xã hội Facebook, Instagram, TikTok, Youtube
Với Facebook, bạn có thể biến hóa đa dạng content với định dạng chữ với dung lượng ngắn gọn (tốt nhất là dưới 300 ký tự), ảnh hoặc video. Trong khi đó, bài đăng lên Instagram chỉ nên đăng tải những bức ảnh đẹp nhất với dòng miêu tả ngắn gọn. Ngoài ra, định dạng đăng ảnh hoặc video ngắn trên Stories của Facebook và Instagram cũng khá hiệu quả để tiếp cận khách hàng nhanh chóng hơn.
Mạng xã hội TikTok với hình thức video ngắn 15 – 60 giây đang là xu hướng marketing đang “hot” trong ngành F&B hiện nay. Nếu bạn muốn truyền tải nhiều nội dung hơn, hãy đăng tải video của mình lên Youtube với độ dài lý tưởng từ 5 – 15 phút.
Trên các mạng xã hội này, nội dung có thể đăng tải trên fanpage hoặc tài khoản chính thức của thương hiệu, trên các hội nhóm review đồ ăn hoặc trên các tài khoản của influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) mà bạn hợp tác.
Website và báo chí
Content trên website và báo chí có đặc điểm chung là những bài viết có dung lượng dài hơn các bài đăng trên mạng xã hội, dao động trong khoảng từ 700 – 1500 ký tự. Nội dung trên các nền tảng này có bố cục nhất định, bao gồm cả định dạng chữ và hình ảnh/video. Ngoài ra, hãy lưu ý về ngôn ngữ, văn phong của các bài viết website và PR báo chí nên nghiêm túc hơn, không quá “teen” và nghịch ngợm.
3. Giải pháp sáng tạo “content chất” cho thương hiệu F&B
3.1. Tuyến nội dung về thương hiệu và sản phẩm
Nội dung có chủ đề về thương hiệu và sản phẩm thường chiếm tỷ lệ đến 50% trên các trang mạng xã hội của nhà hàng, quán cafe. Tuyến nội dung này có hai mục đích quan trọng nhất: Thứ nhất là để xây dựng và quảng bá thương hiệu, thứ hai là để giới thiệu sản phẩm và các chương trình khuyến mãi tới khách hàng nhằm thúc đẩy doanh số.
Chủ đề đầu tiên của các bài viết trong tuyến nội dung này xoay quanh câu chuyện về sự ra đời của thương hiệu, câu chuyện về chủ quán và nhân viên, những hoạt động cộng đồng và trách nhiệm xã hội,… Đây là những nội dung sẽ giúp xây dựng hình ảnh, thể hiện cá tính thương hiệu để gây ấn tượng trong mắt khách hàng.


Tiếp theo là phần nội dung được truyền tải với mục đích bán hàng, thường có chủ đề về giới thiệu sản phẩm, các chương trình ưu đãi và tri ân khách hàng, hướng dẫn cách thức và các kênh đặt hàng,… Các bài viết này nên được thể hiện dưới đa dạng hình thức, thông điệp khác nhau để khách hàng quan tâm và hứng thú. Doanh số của cửa hàng có tăng trưởng khi chạy chương trình khuyến mãi hay không phụ thuộc rất nhiều vào tuyến nội dung quan trọng này.



Bên cạnh đó, thương hiệu cũng cần chú ý những nội dung dạng thông báo như ngày cửa hàng mở/nghỉ, sự thay đổi trong khung giờ đón khách, giới thiệu cơ sở khác ở địa điểm mới,…

3.2. Tuyến nội dung chia sẻ thông tin hữu ích
Nếu nhà hàng, quán cafe chỉ đăng tải nội dung liên quan đến thương hiệu và sản phẩm, khách hàng sẽ cảm thấy không có sự kết nối và nghĩ rằng “chẳng liên quan gì đến tôi cả”. Hơn nữa, liên tục đăng tải những bài quảng cáo có thể sẽ khiến người dùng cảm thấy nhàm chán. Vì vậy, tuyến nội dung chia sẻ thông tin hữu ích chính là “sợi dây” để liên kết mối quan hệ giữa khách hàng và thương hiệu.
Nội dung chia sẻ thông tin hữu ích của nhà hàng, quán cafe cần bám sát vào đối tượng khách hàng mục tiêu. Họ là ai? Họ đang quan tâm tới điều gì? Họ có hành vi và sở thích như thế nào? Sau khi thấu hiểu khách hàng của mình, bạn sẽ tìm được chủ đề phù hợp với họ. Một số chủ đề thông tin hữu ích thông dụng bạn có thể tham khảo là cách duy trì sức khỏe, cách giải tỏa áp lực căng thẳng để trở nên tích cực hơn, cách nấu nướng hay pha chế một món ăn nào đó,…


3.3. Tuyến nội dung tương tác
Để không trở thành “người độc thoại” trên các kênh truyền thông, nhà hàng, quán cafe nên cập nhập thường xuyên những bài viết có nội dung thúc đẩy khách hàng tương tác với bạn. Với tuyến nội dung tương tác, thương hiệu F&B có thể lựa chọn các chủ đề chia sẻ cảm xúc, tâm trạng với khách hàng, “đu trend” đang hot trên mạng xã hội hoặc hỏi đáp về chủ đề mà khách hàng quan tâm. Tổ chức minigame để kích thích khách hàng lan tỏa thương hiệu và tận dụng nội dung do người dùng tạo ra (user-generated content) cũng là ý tưởng hiệu quả. Đặc biệt, hình thức livestream giao lưu hỏi đáp cũng bắt đầu phổ biến trong việc marketing cho nhà hàng, quán cafe vì tính tương tác tối đa của nó.



Hy vọng những gợi ý trên sẽ giúp bạn lên ý tưởng và sáng tạo “content chất” cho thương hiệu F&B của mình dễ dàng hơn. Hãy kết hợp đủ các tuyến nội dung thương hiệu và sản phẩm, thông tin hữu ích và tương tác trong kế hoạch content marketing để đạt hiệu quả truyền thông tối đa.
Tham khảo ngay một số phần mềm quản lý sau để vận hành kinh doanh trơn tru hơn nhé!
Phần mềm quản lý quán cafe chuyên nghiệp, dễ sử dụng nhất
Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay