Theo Social Media Today (2021), mọi người dành thời gian nhiều hơn gấp 3 lần để xem video trực tiếp (livestream) so với video thông thường trên mạng xã hội. Hình thức này thu hút sự quan tâm và theo dõi của đông đảo người dùng vì sự mới mẻ, chân thực và tính tương tác cao. Nhiều thương hiệu F&B hiện nay đang tích cực sử dụng livestream trong chiến lược marketing online của họ để lan tỏa nội dung hiệu quả hơn, đồng thời dễ dàng tiếp nhận phản hồi và suy nghĩ của khách hàng.
Tại sao livestream lại là một công cụ marketing hiệu quả cho ngành F&B hiện nay? Nhà hàng/cafe nên tận dụng tính năng này như thế nào để truyền thông thương hiệu và thúc đẩy doanh thu? Hãy cùng iPOS.vn tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Nội dung
1. Giải mã sức hút của hình thức livestream trên mạng xã hội
Livestream có thể hiểu đơn giản là hình thức phát video trực tiếp trên các mạng xã hội để chia sẻ những khoảnh khắc, sự kiện đang diễn ra. Một số nền tảng sở hữu tính năng livestream phổ biến hiện nay là Facebook, Instagram, Youtube,… Qua phương tiện này, người quay sẽ truyền tải nội dung theo thời gian thực, còn người xem tương tác bằng cách bình luận, chia sẻ, bày tỏ cảm xúc thích, yêu thích, haha, wow, buồn, phẫn nộ,… cũng tại thời điểm đó. Người quay có thể tạo tương tác hai chiều bằng cách đọc bình luận và phản hồi ngay lập tức.
Nhờ sở hữu nhiều ưu điểm hơn video thông thường, livestream đang được sử dụng như một công cụ marketing online vô cùng hiệu quả cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, sau thời gian giãn cách xã hội do đại dịch, hình thức video trực tiếp này càng bùng nổ và phổ biến hơn trước. Các nhà hàng/cafe nên nắm bắt xu hướng livestream và áp dụng vào chiến dịch marketing của mình vì những lợi ích sau:
Tăng tính chân thực và độ tin cậy của thương hiệu
Có thể nhận ra điểm chung của các livestream là sự đơn giản có phần “bình dân” trong kỹ thuật quay và sự dẫn dắt của người nói. Chính vì vậy, video trực tiếp mang lại sự chân thực, rút ngắn khoảng cách giữa thương hiệu và người xem. Khách hàng sẽ cảm thấy tin tưởng hơn nhờ được “mục sở thị” hình ảnh sản phẩm thực tế của nhà hàng/cafe mà không qua chỉnh sửa. Mua đồ ăn online cũng có những câu chuyện dở khóc dở cười, chẳng hạn như trên ảnh thì đầy đặn mà khi nhận hàng thì lèo tèo khiến nhiều người tiêu dùng không còn niềm tin vào những bộ ảnh quảng cáo đẹp đẽ, chuyên nghiệp. Livestream phần nào “vớt vát” lại được niềm tin của người đặt đồ ăn online khi thấy hình ảnh thương hiệu trung thực, cởi mở, sẵn sàng chia sẻ mọi thứ một cách minh bạch.

Mức độ tương tác cao, tạo sự kết nối sâu sắc giữa thương hiệu và khách hàng
Một trong những lý do lớn nhất khiến livestream ngày càng được ưa chuộng chính là tính năng cho phép người xem tương tác trực tiếp theo thời gian thực. Thay vì những định dạng nội dung được thương hiệu đăng lên một cách “độc thoại” vô cùng nhàm chán, livestream thúc đẩy việc trao đổi liên tục. Qua đó, khách hàng sẽ có cơ hội kết nối sâu sắc hơn, tạo mối quan hệ chặt chẽ với thương hiệu mà mình yêu thích. Nhà hàng/cafe thì nhận được phản hồi trực tiếp, nắm bắt được tâm lý và mong muốn của khách hàng để phục vụ cho việc cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình.
Tiết kiệm chi phí marketing nhờ khả năng tiếp cận tự nhiên
Thông thường, doanh nghiệp phải tiêu tốn một khoản ngân sách quảng cáo tương đối lớn để đưa nội dung tiếp cận nhiều người hơn. Tuy nhiên, video livestream được Facebook sử dụng thuật toán khác để ưu tiên hiển thị trên News Feed (trang tin) của người dùng mà thương hiệu không cần bỏ ra bất cứ chi phí nào. Sau khi phát sóng trực tiếp, video vẫn có thể được lưu trữ trên Facebook và cho phép người dùng xem lại như một video thông thường. Hơn nữa, những người đã thích Fanpage Facebook sẽ nhận được thông báo tức thì khi trang phát sóng livestream. Nền tảng Instagram và Youtube cũng có tính năng tương tự để người theo dõi không bỏ lỡ video trực tiếp của tài khoản.
Xem thêm: “Bắt tay” cùng Influencer ra sao để marketing hiệu quả cho nhà hàng/cafe?
2. Ý tưởng livestream cho nhà hàng/cafe được ưa chuộng nhất
Khác với những ngành bán lẻ như thời trang, mỹ phẩm,… nhà hàng/cafe không nên phát video livestream và bán hàng “ăn xổi” theo kiểu “chốt đơn” liên tục. Thương hiệu cần lên ý tưởng và xây dựng kịch bản rõ ràng để truyền tải nội dung tới khách hàng một cách chuyên nghiệp hơn. Hãy theo dõi một số gợi ý về chủ đề livestream phù hợp với ngành F&B dưới đây:
2.1. Phát trực tiếp một sự kiện của nhà hàng/cafe
Nếu nhà hàng/cafe tổ chức một sự kiện đặc biệt như cuộc thi ăn nhanh hay chương trình ca nhạc, hãy phát video livestream trên fanpage Facebook của thương hiệu để lan tỏa tới khách hàng. Nhờ đó, những người xem không có mặt trực tiếp cũng có thể theo dõi online, khiến họ cảm thấy hứng thú và sẽ tới quán khi có sự kiện lần sau. Ngoài việc phát trực tiếp diễn biến sự kiện, livestream cũng có thể bắt đầu từ lúc nhân viên đang chuẩn bị và trang trí để khiến người xem tò mò, hứng thú và hồi hộp mong chờ sự kiện diễn ra.

2.2. Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của chủ quán
Chủ nhà hàng/cafe nên dành thời gian thực hiện livestream kể câu chuyện thành công của chính mình để truyền cảm hứng đến người xem. Khách hàng có cơ hội để hiểu hơn về câu chuyện kinh doanh và những tâm huyết, nỗ lực của chủ quán. Đó có thể là bài học của một người thất bại đã làm việc chăm chỉ, nỗ lực đến khi tạo dựng được một thương hiệu F&B thành công hay đơn giản chỉ là sự đam mê và tình yêu ẩm thực của chủ quán.
Khách hàng càng thấu hiểu câu chuyện, họ sẽ càng yêu mến và trung thành với thương hiệu hơn. Chẳng hạn như câu chuyện của Nguyễn Hải Ninh – founder chuỗi The Coffee House khi “từ bùn đen đi lên, học trái ngành, không biết gì về cà phê”, từng thất bại với chuỗi cửa hàng Urban Station và cuối cùng thành công với “ngôi nhà cà phê” với rất nhiều trăn trở và tâm huyết đã chiếm được cảm tình của đông đảo khách hàng. Hình thức livestream sẽ khiến câu chuyện được truyền tải một cách chân thực, sinh động như một buổi tâm sự, chia sẻ gần gũi của chủ nhà hàng/cafe.
2.3. Chia sẻ kinh nghiệm nấu nướng/pha chế
Những video dạy nấu nướng/pha chế có nội dung đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại có hiệu quả cao trong việc thu hút người xem trên mạng xã hội. Có rất nhiều người yêu thích ẩm thực hiện nay dành ra hàng giờ mỗi ngày để theo dõi những video dạy nấu ăn. Thương hiệu có thể quay đầu bếp/barista (nhân viên pha chế) livestream hướng dẫn chế biến một món ăn đặc trưng của quán từ A đến Z hoặc đơn giản chỉ là cách lựa chọn và kết hợp các nguyên vật liệu một cách phù hợp. Người dẫn dắt livestream không nên trình bày nội dung một cách quá cứng nhắc và nghiêm túc, đây là một video chia sẻ chứ không phải video “dạy” nấu ăn. Video sẽ hấp dẫn hơn nếu người thực hiện vừa hướng dẫn nấu nướng/pha chế, vừa đan xen những câu chuyện về nghề, về những kinh nghiệm của bản thân,… một cách “có duyên”.

2.4. Đưa người xem đi quanh nhà hàng/cafe
Nếu bạn đang “bí” ý tưởng để quay livestream, hãy tưởng tượng mình là một hướng dẫn viên du lịch và dẫn người xem tận hưởng một “cuộc dạo chơi” quanh nhà hàng/cafe. Đây là một cách tuyệt vời để thương hiệu kết nối với những khách hàng tiềm năng. Người thực hiện livestream nên vừa dẫn dắt, vừa kể những câu chuyện về thiết kế không gian, thậm chí là những khó khăn trong quá trình cải tạo mặt bằng và xây dựng cửa hàng. Và đôi khi chính ý nghĩa của những chi tiết trang trí nhỏ trong cửa hàng sẽ để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người xem. Một không gian nhà hàng/cafe đẹp mắt chắc chắn sẽ tạo động lực và lôi kéo người xem đến trực tiếp quán để trải nghiệm và check-in.
2.5. Câu chuyện “phía sau hậu trường”
Khách hàng của bạn đã quen thuộc với không gian phục vụ bên ngoài và luôn tò mò về những gì đang diễn ra bên trong nhà hàng/cafe. Hãy phát video livestream đưa họ đi tham quan nhà bếp/quầy pha chế – nơi làm việc của những “con ong chăm chỉ” để cho ra đời những sản phẩm chất lượng nhất. Bạn có thể quay đầu bếp đang chế biến những món ăn hấp dẫn hay barista đang pha chế một tách cafe latte đẹp mắt với rất nhiều tâm huyết. Để buổi livestream sinh động hơn, hãy phỏng vấn nhân viên để khách hàng hiểu hơn về suy nghĩ và tâm trạng của những người đứng sau thầm lặng này. Hơn nữa, những cảnh quay này sẽ cho thấy quy trình chế biến sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà hàng/cafe để khách hàng yên tâm và tin tưởng hơn.

2.6. Tổ chức buổi hỏi đáp Q&A
Trong buổi hỏi đáp Q&A, người đại diện nhà hàng/cafe sẽ trả lời tất cả những câu hỏi được đặt ra từ người xem livestream. “Fan” của thương hiệu chắc chắn rất thích chủ đề này vì họ có cơ hội tương tác qua lại như đang trò chuyện trực tiếp. Ai cũng sẽ phấn khích và thích thú khi tên và câu hỏi của mình được nhắc đến và phản hồi. Ngoài ra, buổi Q&A phát sóng trực tiếp nên có một chủ đề lớn nhất định để người xem không đặt câu hỏi quá lan man và người trả lời cũng đi đúng hướng. Trong những giây phút đầu nếu chưa có ai đặt câu hỏi, hãy tích cực chào mọi người và bắt đầu nói những nội dung cơ bản xung quanh chủ đề, đồng thời gợi mở vấn đề để người xem dễ đặt câu hỏi hơn.
2.7. Kết hợp với các influencers
Bộ đôi “livestream – influencers” đang được đánh giá là “cặp bài trùng” khi mang đến hiệu quả bất ngờ trong các chiến dịch marketing. Hợp tác với các influencers (những người có tầm ảnh hưởng) trong mảng ẩm thực giúp gia tăng sự đa dạng và hấp dẫn cho các video livestream. Ưu điểm khi kết hợp với influencers là tăng hiệu quả truyền thông, hình ảnh sản phẩm được truyền tải sinh động, chân thực hơn qua những lời đánh giá của họ. Hơn nữa, livestream có thể thu hút hàng trăm ngàn người cùng vào tương tác, chia sẻ, thậm chí thu hút ngay cả những người không theo dõi influencers đó. Nhiều thương hiệu đang bắt đầu kết hợp với influencers để livestream trả lời Q&A với khán giả trong khi tổ chức các sự kiện và đạt được hiệu quả ngoài mong đợi.

2.8. Mukbang đồ ăn/đồ uống
Mukbang là hình thức vừa ăn uống vừa ghi hình, thường được quay trực tiếp để tương tác, trò chuyện với người xem để tạo nên sự giao lưu. Rất nhiều người đang xem mạng xã hội với tình trạng bụng đói cồn cào, đây chính là cơ hội để nhà hàng/cafe thu hút sự quan tâm của họ. Hãy chuẩn bị thật nhiều những món ăn, đồ uống đặc trưng được yêu thích nhất tại quán, để người dẫn dắt vừa thưởng thức một cách ngon lành, vừa trả lời bình luận của người xem. Những video này sẽ vô cùng kích thích, có thể khiến khách hàng của bạn phải thèm thuồng tới mức “nuốt nước miếng” và ngay lập tức đặt hàng.
3. Những lưu ý khi thực hiện livestream dành cho nhà hàng/cafe
Để sử dụng livestream như một phần của chiến dịch marketing hiệu quả, nhà hàng/cafe nên lưu tâm một số bí quyết dưới dây:
Có kế hoạch và kịch bản nhưng không dàn dựng quá mức
Trước khi livestream, hãy lên kế hoạch một cách cẩn thận với một kịch bản hoàn chỉnh, lường trước các trường hợp có thể xảy ra. Tạo chủ đề chính và liệt kê một vài điểm bạn muốn thảo luận và thêm một số thông tin quan trọng cần nhắc tới. Trong video trực tiếp, nhà hàng/cafe hãy cố gắng bám sát kế hoạch để tránh những khoảnh khắc mất kiểm soát, lạc đề.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng phát trực tiếp hoàn toàn khác với video được sản xuất công phu. Nói cách khác, khán giả của bạn không muốn sự hoàn hảo, chỉn chu quá mức và đặc biệt là các livestream bị công nghiệp hóa đến mức nhàm chán. Việc tuân theo kịch bản một cách quá cứng nhắc sẽ khiến khách hàng cảm thấy tất cả đều giả tạo và không thực tế. Hãy livestream một cách tự nhiên nhất có thể trong khi tương tác với người dùng để thu hút được cảm tình từ người xem.
Lựa chọn người dẫn dắt livestream linh hoạt
Cũng giống như việc đề cao tính tự nhiên, ekip và người dẫn dắt livestream cần có sự ứng biến linh hoạt vì phản ứng của khán giả hoàn toàn có thể khiến nội dung của chương trình thay đổi. Ví dụ nếu bạn đang livestream tham quan nhà hàng và nhiều người xem có thắc mắc về một chi tiết cụ thể thì đừng bỏ qua chỉ vì kế hoạch không có nội dung này. Làm hài lòng khán giả và cung cấp cho khán giả những điều họ muốn sẽ giữ chân họ lâu hơn.

Tốc độ kết nối internet ổn định và thời lượng hợp lý
Bạn không thể chủ quan với thiết bị kết nối Internet tại nơi diễn ra buổi livestream. Việc không có một kết nối internet đủ mạnh, video có chất lượng thấp, hình ảnh nhòe mờ và bị đơ giật sẽ ảnh hưởng đến uy tín, sự chuyên nghiệp của thương hiệu. Thông tin đưa đến cho khách hàng không trọn vẹn dẫn đến mức độ tin cậy mà khách hàng dành cho bạn rất thấp. Thời lượng một buổi livestream hiệu quả nhất chỉ nên kéo dài từ 45-90 phút. Nếu làm livestream dưới 45 phút thì chưa đủ độ hot, độ tương tác và chưa có sức lan tỏa được. Nếu bạn livestream quá 90 phút, lượt người xem sẽ giảm dần vì nhàm chán.
Thông báo trước lịch livestream
Hãy nhớ đăng lên một số thông báo về thời gian livestream trên fanpage hoặc tài khoản của thương hiệu trên mạng xã hội. Sáng tạo một chút về nội dung và “nhá hàng” gợi mở chủ đề để khách hàng tò mò và mong ngóng buổi livestream này. Fanpage Facebook của nhà hàng/cafe nếu đã có một lượng khách hàng theo dõi nhất định, thì việc thông báo này sẽ là cách tăng tương tác và số lượng người tham gia rất hiệu quả. Khách hàng sẽ biết được cụ thể giờ nào bạn sẽ livestream để tiện dành thời gian theo dõi.
Thị trường kinh doanh dịch ăn uống ngày càng cạnh tranh khốc liệt khiến “cuộc chơi” marketing cũng càng gay cấn với những sự thay đổi đến chóng mặt. Khi những hình thức truyền thống dần trở nên bão hòa và không nhận được tin tưởng từ khách hàng, livestream đang nổi lên và được dự đoán sẽ là “quân bài chủ lực” cho marketing ngành F&B.
Bạn có thể tham khảo một số phần mềm sau để vận hành nhà hàng, quán cafe trơn tru hơn nhé!
Phần mềm quản lý quán cafe chuyên nghiệp, dễ sử dụng nhất
Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay