Dân văn phòng là đối tượng chiếm đến gần 70% tổng số lượng khách hàng tại các quán cafe hiện nay. Tuy nhiên, đối tượng này khá đặc thù và không phải quán cafe nào cũng đáp ứng đủ các yêu cầu từ họ. Chính vì vậy, mô hình quán cafe cho dân văn phòng đã ra đời và trở thành một xu hướng trong thời gian gần đây. Nếu bạn đang có ý định mở quán cafe cho dân văn phòng, hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây để có thể setup mô hình này một cách chuẩn chỉnh, hiệu quả nhất. Cùng iPOS.vn tìm hiểu chi tiết nhé!
Nội dung
1. Dân văn phòng – đối tượng khách hàng mục tiêu đầy niềm năng
Khách hàng là những người quyết định sự tồn tại của một quán cafe. Do đó, nghiên cứu đối tượng khách hàng để tìm ra và đáp ứng nhu cầu của họ là việc cần làm vô cùng cần thiết khi lập kế hoạch kinh doanh. Ở đây, khách hàng mục tiêu của bạn chính là dân văn phòng. Những gì bạn cần làm chính là tìm hiểu về giới tính, độ tuổi, thu nhập, sở thích và thói quen của dân văn phòng để có thể phục vụ và “chiều lòng” họ thật tốt trong quán cafe của mình.

Dân văn phòng – họ là ai? Đây là tầng lớp trí thức có thu nhập khá cao so với mặt bằng chung của xã hội. Họ là những người đang chịu nhiều áp lực từ công việc, hằng ngày phải gò bó trong bốn bức tường ngột ngạt, căng thẳng. Có người thì cần không gian yên tĩnh để tập trung làm việc, có người thì lựa chọn quán cafe là nơi để bàn chuyện với đồng nghiệp hoặc gặp gỡ đối tác, khách hàng. Đôi khi dân văn phòng đến quán cafe để đầu óc thư giãn hơn và tìm cảm hứng sáng tạo mới trong công việc.
Khác với đối tượng học sinh, sinh viên cần một quán cafe có view đẹp để check-in “sống ảo” thì thị hiếu của dân văn phòng có sự khác biệt hơn rất nhiều. Họ “khó tính và khó chiều” hơn. Tuy nhiên, vì có thu nhập khá cao, dân văn phòng sẵn sàng chi trả một khoản tiền đều đặn dành cho việc ghé tới các quán cafe thường xuyên nếu thương hiệu đó đáp ứng được tất cả các yêu cầu của họ. Vì vậy, để khai thác triệt để “mỏ vàng” này, quán cafe của bạn nên đặc biệt chú trọng đến các yếu tố như không gian, cách bày trí, sản phẩm, dịch vụ và cả âm nhạc để phù hợp với đối tượng khách hàng.
Xem thêm: 10 Bước lập kế hoạch kinh doanh quán cafe cho người mới
2. Những bí quyết mở quán cafe cho dân văn phòng để luôn đông khách
Để mở quán cafe cho dân văn phòng thành công, bạn cần xây dựng và thiết kế quán dựa trên tư duy Customer Centric. Customer Centric có nghĩa là lấy khách hàng mục tiêu làm trung tâm để sáng tạo nên các sản phẩm và dịch vụ nhằm mang đến những trải nghiệm tuyệt vời dành cho họ. Bạn cần phải nắm rõ tâm lý của đối tượng mục tiêu, hiểu được họ đang cần gì và muốn gì, từ đó lập bản đồ hành trình khách hàng và đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Một sản phẩm tốt chưa đủ để giữ chân khách hàng, nhưng nếu một sản phẩm tốt đi kèm một những trải nghiệm tuyệt vời đánh trúng vào tâm lý sẽ khiến cho họ bị thu hút và trở thành khách hàng trung thành của thương hiệu. Vậy quán cafe cho dân văn phòng cần hội tụ đủ những yếu tố gì để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng?
2.1. Lựa chọn vị trí “đắc địa” và thuận lợi
Việc lựa chọn địa điểm là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến sự thành công của việc mở quán cafe cho dân văn phòng. Nếu bạn mở quán cafe cho dân văn phòng mà đặt vị trí quán tại gần các trường học, bệnh viện,… thì sai lầm này có thể khiến công việc kinh doanh của bạn thất bại. Vì đặc điểm của đối tượng này là luôn bận rộn, họ sẽ chọn những địa điểm gần nhất để việc đi lại và di chuyển giữa quán cafe và công ty thuận tiện, nhanh chóng. Khách hàng mục tiêu ở đâu, chúng ta cũng cần phải ở đó.

Vị trí phù hợp nhất dành cho mô hình quán cafe này là gần các tòa nhà văn phòng có nhiều công ty, những nơi đông đúc dân cư và nhiều người qua lại. Thông thường, các quán cafe nên được đặt tại ngay tầng 1 hoặc tại sảnh của các tòa nhà cao tầng, cơ quan làm việc. Đây là địa điểm được khá nhiều dân văn phòng yêu thích vì dễ tìm kiếm, không phải di chuyển quá xa. Tuy nhiên, những địa điểm đẹp lại có chi phí thuê mặt bằng khá cao, đồng thời nhiều đối thủ cạnh tranh đều muốn “lăm le” giành lấy vị trí đó. Vì vậy, bạn cần phải dành nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm mặt bằng phù hợp nhất cho quán cafe cho dân văn phòng.
2.2. Kích thước và cách bày trí nội thất trong quán cafe
Để tối ưu trải nghiệm của khách hàng tại quán, bạn phải hiểu rõ hành vi và thói quen của họ khi sử dụng dịch vụ tại quán cafe. Sau khi tìm được một quán cafe có vị trí thuận tiện, khách hàng bước vào và điều đầu tiên họ làm tiếp theo chính là tìm chỗ ngồi hợp lý nhất. Dân văn phòng cho dù đến quán cafe để làm việc hay gặp đồng nghiệp, đối tác, họ vẫn muốn tìm một không gian riêng. Họ cần không gian đủ để đặt, sắp xếp đồ đạc như laptop, chuột, balo túi xách, đồ uống,… Một chiếc bàn chật hẹp sẽ khiến khách hàng cảm thấy không thoải mái và có thể xảy ra những trường hợp đáng tiếc như làm đổ đồ uống vào laptop.

Ngoài yếu tố không gian, với những người đến quán để làm việc thì bàn ghế cũng cần được lựa chọn và sắp đặt theo kiểu dáng ngồi của họ. Nhiều chủ quán thường chỉ quan tâm đến những mẫu mã bàn ghế đẹp mà quên đi sự thoải mái của khách hàng khi ngồi. Nếu chỉ ngồi để trò chuyện và uống cafe, bạn có thể lựa chọn loại bàn ghế thấp với kiểu cách tùy ý. Tuy nhiên, để khách hàng ngồi làm việc thoải mái, bàn đặt laptop cần có độ cao và khoảng cách thích hợp so với ghế. Nếu bạn muốn tận dụng không gian để dung hòa cả hai lượng khách đến để làm việc và thư giãn, hãy cân nhắc đến phương án bàn dạng dài. Đây vừa là điểm nhấn trong không gian, vừa là cách để những vị khách đến quán thưởng thức cafe nói chuyện thông thường tìm được những vị trí phù hợp với mình.
2.3. Thiết kế và sắp xếp ổ điện hợp lý
Bạn có thường thấy hình ảnh dân văn phòng luôn có một chiếc laptop hay máy tính bảng trên tay, kể cả khi ở quán cafe? Các thiết bị phục vụ cho công việc của khách hàng chắc chắn luôn cần nơi để sạc đầy, duy trì trong suốt quá trình làm việc. Đó là lý do mà ổ điện là thiết bị không thể thiếu trong các quán cafe dành cho dân văn phòng. Hãy bố trí số lượng ổ điện đủ để đáp ứng được nhu cầu tối đa của khách hàng. Để không ảnh hưởng đến thẩm mỹ của thiết kế chung, bạn có thể lắp đặt ổ điện âm tường dọc theo từng bộ bàn ghế.
Điều này đang được các “ông lớn” như Highlands, The Coffee House thực hiện rất tốt. Đó cũng là lý do tại sao hai thương hiệu đang giữ vị trí số một về địa điểm quán cafe của dân văn phòng hiện nay. Trong không gian cửa hàng của họ, trung bình 1-2 bàn sẽ được bố trí một ổ cắm. Cho dù quán của bạn có được vị trí đẹp, đồ uống ngon mà không có hoặc có quá ít ổ điện khiến khách hàng không thể tiếp tục làm việc, họ cũng sẽ rời bỏ mà tìm đến những địa điểm khác. Những ổ cắm điện tưởng chừng như là chi tiết nhỏ bé, đơn giản nhưng lại “ghi điểm” rất lớn với dân văn phòng, giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng tại quán cafe.
2.4. Đồ uống và sản phẩm đi kèm
Nếu khách hàng mục tiêu chính của quán cafe là dân văn phòng, bạn cần xây dựng menu sản phẩm tập trung đáp ứng tối đa nhu cầu của đối tượng này. Trước hết, dân văn phòng thường cần sự tỉnh táo và tập trung cao độ khi làm việc. Vì vậy, chắc chắn đồ uống không thể thiếu mà đa số khách hàng thường gọi nhất chính là các loại cafe, từ cafe đen đến cafe sữa, cafe kem béo, bạc xỉu,… để đáp ứng mọi sở thích khác nhau. Ngoài ra, các loại trà hoa quả và thảo mộc cũng được nhiều dân văn phòng ưa chuộng hiện nay. Bên cạnh các loại đồ uống phổ biến, hãy cố gắng sáng tạo ra một sản phẩm “signature” đặc trưng của quán để thu hút và giữ chân khách hàng.

Bản thân khách hàng sau một thời gian dài làm việc với máy tính, tinh thần và thị lực đều mỏi. Hãy nắm bắt lấy nhu cầu này để nhân viên có thể dễ dàng upsell (bán thêm) bán được đơn hàng có giá trị cao hơn. Bạn có thể thêm các món liên quan đến đồ ăn như bánh ngọt, bánh mì, bánh bao,… tiện lợi để giúp khách hàng nạp lại năng lượng. Tuy nhiên, cũng cần nhóm những món đồ ăn và đồ uống vào thành combo để khách hàng dễ dàng lựa chọn và ra quyết định mua nhanh chóng.
2.5. Âm nhạc
Âm nhạc cũng là một trong những điểm đặc biệt để tối ưu trải nghiệm khách hàng tại quán cafe. Lựa chọn âm nhạc như thế nào sẽ phụ thuộc vào concept của quán và đối tượng khách hàng mục tiêu. Với dân văn phòng cần một nơi yên tĩnh để làm việc, họ chắc chắn sẽ “dị ứng” với những thể loại nhạc ồn ào, náo nhiệt. Tất nhiên không gian yên tĩnh không có nghĩa là không nên có âm nhạc, một chút âm nhạc tinh tế sẽ giúp giảm bớt căng thẳng, thư giãn tinh thần và đem lại cảm hứng sáng tạo cho khách hàng khi làm việc.
Bạn có thể lựa chọn danh sách những bài hát US-UK thuộc thể loại Jazz, Country, Acoustic… nhẹ nhàng để phù hợp với thị hiếu chung của dân văn phòng. Nhạc không lời cũng là một thể loại hợp lý để khách hàng có thể tập trung hơn vào công việc. Vào những khoảng thời gian như sáng sớm hoặc đầu giờ chiều, nhạc Pop với giai điệu rộn ràng, vui tươi mang đến cảm xúc tích cực, tràn đầy năng lượng cũng sẽ khiến khách hàng “phải lòng” quán cafe của bạn.
Kinh doanh quán cafe hiện nay ngày càng cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi chủ quán cần có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi bắt đầu. Và thấu hiểu khách hàng mục tiêu chính là chìa khóa dẫn lối đầu tiên đến thành công khi mở quán cafe cho dân văn phòng. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm hành trang khi thực hiện đam mê của mình.
Bạn có thể tham khảo một số phần mềm để vận hàn quán cafe trơn tru hơn nhé!