Nếu như ví von thị trường kinh doanh ẩm thực là một cuộc đua, thì các chủ kinh doanh là những chân chạy nước rút. Để vượt qua các đối thủ cạnh tranh, thực lực là một chuyện – chủ quán cũng cần có cho mình một liều doping xúc tác mang tên thương hiệu để tạo đà bứt phá.
Đừng chần chừ, đã đến lúc cơ sở kinh doanh của bạn phải bắt tay ngay vào việc làm thương hiệu. Nếu vẫn còn bỡ ngỡ, chưa biết bắt đầu từ đâu thì dưới đây là một vài gợi ý để bắt đầu việc làm thương hiệu cho nhà hàng. Cùng iPOS.vn tìm hiểu chi tiết nhé!
Nội dung
1. Thương hiệu là gì?
Trong ngành F&B, thương hiệu có thể được hiểu là cam kết của nhà hàng đối với thực khách của mình. Thương hiệu của bạn cho thực khách biết những gì họ có thể cung cấp và sự khác biệt so với những nhà hàng khác.
Trong thực tế kinh doanh, yếu tố thương hiệu của một nhà hàng không chỉ được xây dựng từ những món ăn ngon, mà nó còn là sự tổng hòa của nhiều yếu tố bao gồm cả: hình ảnh, không gian, dịch vụ và thậm chí là cả sự hiện diện của bạn… tất cả những yếu tố đó đều có ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng thương hiệu chỉ quan trọng đối với các nhà hàng hoặc chuỗi nhà hàng có đủ quy mô và lượng khách hàng nhất định. Nhưng thực tế, dù bạn đang kinh doanh một xe bán hàng lưu động đi chăng nữa, thì câu chuyện làm thương hiệu vẫn nên được triển khai bài bản.
Vì không gì khác, thương hiệu rất quan trọng đối với các nhà hàng. Nó mang đến cho bạn cơ hội gây ấn tượng và thiết lập sự trung thành của khách hàng – Một trong những yếu tố kiên quyết để phát triển và kinh doanh bền vững trong ngành F&B.
2. Sự khác biệt – tiền đề để xây dựng thương hiệu nổi bật trên thị trường cạnh tranh
Là một thị trường rất nóng – do rào cản gia nhập trên thực tế không cao – nên số lượng các đơn vị kinh doanh F&B trên thị trường đang ngày càng phù hợp với câu nói “đất chật người đông”. Điều này không gì khác là một lời khẳng định đanh thép:
“Thực khách luôn luôn có hàng tá sự lựa chọn cho nhu cầu ăn uống của mình. Nên nếu nhà hàng của bạn không tạo được dấu ấn riêng biệt trong lòng thực khách, thì viễn cảnh bị thoái trào và cuối cùng là đào thải sẽ gần hơn bao giờ hết.”
Mặc dù vậy, nhiều đơn vị F&B sinh sau đẻ muộn thường có xu hướng bê nguyên mô hình kinh doanh có sẵn vào áp dụng. Việc làm này chẳng khác nào tự biến mình thành một bản sao của người khác. Vấn đề là mô hình kinh doanh thành công đó của họ đã có sẵn một thị phần đủ lớn và có thể không còn chỗ để chen chân.
Bởi vậy, nếu không chịu tìm ra điểm khác biệt, không tìm ra được thị trường ngách thì bạn sẽ rất khó để thu hút được khách hàng. Nhận thức được điều này sẽ giúp bạn thoát ra khỏi vũng lầy giữa các nhà hàng nhân bản đại trà tràn lan hiện nay.
Lúc này, hãy kiên định – trở thành người dám đi ngược đám đông để thành công!
Những cá thể khác biệt luôn chiếm số ít trong tập thể, và có vẻ bất lợi hơn phần đông còn lại. Nhưng sức mạnh của cái được gọi là đa số không hẳn lớn lao như số lượng của nó. Đó là lý do thiểu số có thể trở thành “kẻ mạnh”. Trong kinh doanh nhà hàng, triết lý này đặc biệt đúng. Bởi nếu thuộc về những thương hiệu thiểu số, bạn lại có tiềm năng sở hữu sức mạnh “khác biệt” có khả năng hấp dẫn mọi khách hàng.
Bản quyền là một cách để khẳng định sự độc nhất của sản phẩm. Bạn cũng nên làm như vậy với nhà hàng của mình. Và điều bạn cần làm chính là ghi dấu vị trí độc tôn trong lòng khách hàng. Chính sự khác biệt sẽ giúp bạn tạo nên những dấu ấn thương hiệu đặc biệt đó.
3. Vậy thì làm sao để xây dựng thương hiệu khác biệt cho nhà hàng?
Có 5 yếu tố quan trọng nhất có thể giúp bạn khai thác để tạo nên dấu ấn thương hiệu đặc biệt cho nhà hàng của mình, đó là: Món ăn, không gian, mức giá, nhân sự và chất lượng dịch vụ.
3.1. Món ăn khác biệt
Trên thực tế, xây dựng thương hiệu từ sự khác biệt trong các món ăn là một cách làm không hề đơn giản. Nguyên nhân là vì việc sáng tạo nên những món ăn hoàn toàn mới giữa trăm ngàn các công thức rất khó. Điều này đòi hỏi các đầu bếp phải có trình độ rất cao mà phần lớn quy mô nhà hàng tại Việt Nam đều rất hiếm.
Vì vậy, khi muốn xây dựng thương hiệu bằng sự khác biệt trong sản phẩm món ăn, bạn không cần cố công tìm kiếm những đầu bếp giỏi với những công thức mới, khác biệt hoàn toàn với các nhà hàng khác. Thay vào đó, bạn nên xem xét đến việc thay đổi nguyên liệu, cách trình bày, cách nấu, cách thưởng thức,… để tạo ra trải nghiệm mới cho khách hàng, là đủ.

Ví dụ: Thay vì ăn món nướng trên bếp thông thường thì nhiều nhà hàng đã tạo ra hình thức sử dụng đá núi lửa để chế biến món ăn. Hoặc tiêu biểu nhất có thể kể đến sự thành công của bánh mì Doner Kebab tại Việt Nam. Viện Goethe – thương hiệu khởi nguồn của món này đã khéo léo thay thế nguyên liệu thịt cừu trong món gốc tại Thổ Nhĩ Kỳ bằng thịt heo để phù hợp hơn với sở thích ăn uống của người Việt.
Đọc thêm: 6 quy tắc thiết kế menu quán ăn lôi cuốn thực khách
3.2. Không gian khác biệt
Nếu việc xây dựng thương hiệu từ sự khác biệt món ăn có vẻ “khó nhằn” thì khác biệt không gian có lẽ là một cách làm dễ dàng hơn.
Ngày nay, khách đến quán của bạn không phải chỉ để ăn cho no, mà còn là để “thưởng thức món ăn”, và không gian nhà hàng là một yếu tố cấu thành nên điều này. Một nhà hàng với không gian đẹp sẽ làm trọn vẹn cảm xúc của thực khách khi thưởng thức món ăn.
Thậm chí, không gian nhà hàng đôi khi lại trở thành một điểm sáng, thu hút hơn hẳn những yếu tố khác. Nhất là đối với giới trẻ thời công nghệ số khi mà “check in” trở thành một hoạt động không thể thiếu. Khách hàng có thể phàn nàn về chất lượng, giá cả, dịch vụ nhưng họ vẫn có thể “hào phóng” cộng điểm nếu thiết kế không gian nhà hàng đẹp ấn tượng.
Nhưng khuyến cáo bạn rằng món ăn vẫn là sản phẩm cốt lõi của nhà hàng. Nếu quá chú trọng vào không gian, mà để món ăn dở tệ thì dù có đẹp đến khách hàng cũng khó quay lại với bạn lần hai.
3.3. Mức giá khác biệt
Nhiều chủ nhà hàng cho rằng mức giá khác biệt phải là mức giá rẻ nên cố gắng hạ giá nhằm chào mời khách hàng nhưng kết quả không đạt được lợi nhuận đủ bù vốn. Bạn nên nhớ rằng việc định giá phải bao gồm cả chi phí về nguyên liệu, điện nước, nhân sự, thuê địa điểm,… Vì vậy mức giá bạn đặt ra ít nhất phải đảm bảo hoà vốn.
Hơn nữa, việc giảm giá chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn bởi nếu duy trì quá lâu khách hàng sẽ không nhận thấy giá trị của đợt khuyến mãi, làm giảm hiệu quả kích cầu. Một số chủ nhà hàng lại kiên trì mức giá thấp hơn trung bình, chấp nhận lời ít nhưng lại “phản tác dụng”. Có thể khách hàng nghĩ rằng sản phẩm của bạn không đảm bảo chất lượng nên mới đặt giá thấp.
Như vậy, có thể thấy không phải mức giá rẻ là mức giá khác biệt. Đôi khi đặt ra mức giá cao lại thu hút hơn nhiều.
Một ví dụ tiêu biểu cho chiến lược này chính là Apple, bạn có thể thấy mỗi sản phẩm của hãng ra mắt đều được công chúng săn đón mặc dù có mức giá trên trời. Tất nhiên, để đưa ra mức giá này bạn phải đảm bảo dịch vụ và món ăn của nhà hàng là hoàn hảo.
Xây dựng thương hiệu bằng sự khác biệt mức giá – không phải là một cách thức dễ làm, đôi khi nó cũng là con dao hai lưỡi. Bởi vậy, trước khi quyết định mức giá, bạn cần cân nhắc và tính toán thật kỹ lưỡng.
3.4. Nhân sự khác biệt
Nghiệp vụ chuyên nghiệp, ngoại hình sáng lạn là những yếu tố đầu tiên bạn có thể cân nhắc để tạo ra sự khác biệt trong đội ngũ nhân viên quán ăn.

Tuy nhiên, đặt vào trường hợp không thể tuyển dụng được những nhân viên đáp ứng được cả hai yêu cầu trên – bạn nên chọn nhân viên có tác phong nhanh nhẹn, nghiệp vụ chuyên môn tốt – hay – nên chọn nhân viên có ngoại hình cao ráo ưu nhìn và kỹ năng kém?
Câu trả lời cho bạn là “lựa cơm gắp mắm”. Ví dụ: Với những vị trí tiếp xúc trực tiếp với khách hàng như nhân viên lễ tân, phục vụ bàn hãy ưu tiên sắp xếp những nhân viên ưa nhìn ở vị trí này để gia tăng thiện cảm của khách,…
Ngược lại, đối với những vị trí sân sau, bạn có thể lựa chọn những nhân sự có chuyên môn tốt, kinh nghiệm cao để cải thiện tốc độ vận hành, tạo tiền đề cho đội ngũ nhân viên “mặt tiền” phục vụ khách hàng tốt hơn.
Đọc thêm: Những điều cần lưu ý khi đào tạo nhân viên phục vụ nhà hàng
3.5. Dịch vụ khác biệt
Thật khó để xác định đâu là một nhà hàng có chất lượng dịch vụ khác biệt, vì tiêu chí và tiêu chuẩn của mỗi khách hàng là khác nhau. Như tại thị trường Việt Nam, khách hàng vốn luôn được coi là thượng đế, được phục vụ tận tình hết mực. Nên nếu muốn đưa ra được dịch vụ khác biệt, rất có thể bạn sẽ phải đối mặt với những yêu sách vô cùng khó chịu.
Nếu bạn mệt mỏi với việc này, hãy thử sức với mô hình kinh doanh nhà hàng trải nghiệm.
Trong mô hình này, tất nhiên, bạn vẫn sẽ phải phục vụ khách hàng như thường, nhưng đồng thời, điểm nhấn của bạn sẽ là các dịch vụ trải nghiệm cho khách. Các dịch vụ này có thể khiến khách hàng bất ngờ, hứng thú tham gia vào phần trải nghiệm mà quên đi các yêu sách của mình.
Mô hình trải nghiệm này thường được diễn ra dưới hình thức như: Rút thăm may mắn, thưởng lãm nấu ăn trực tiếp, hay cho thực khách tự trải nghiệm nấu nướng như đầu bếp nhà hàng,…
Tạm kết
Làm thương hiệu không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể làm được, Mcdonald’s, pizza hut,. .không thể trở thành chuỗi thương hiệu toàn cầu, trị giá hàng tỷ đô, chỉ trong 1 đêm. Hãy thật sự kiên nhẫn, đôi khi sẽ có những lúc mọi việc không suông sẻ nhưng hãy bình tĩnh và kiên định với chính mình.
Hãy dành một chút thời gian hôm nay để suy nghĩ về thương hiệu của bạn. Viết tất cả ra giấy, và bắt đầu trò chuyện cùng những khách hàng của mình. Tìm hiểu xem họ đang mong muốn điều gì, điều gì khiến họ quay trở lại nhà hàng của bạn.
Một khi đã hình thành nên ý tưởng làm gì với thương hiệu của mình, hãy lập 1 kế hoạch, trăn trở với nó thật nhiều và hãy luôn đảm bảo nhân viên nào cũng được đọc và hiểu về nó. Vì hơn ai hết mỗi nhân viên của bạn sẽ chính là những người trực tiếp truyền đi thông điệp thương hiệu đến với khách hàng.
Nếu bạn đã quyết định dành tâm huyết để làm thương hiệu cho nhà hàng là bạn đã tiến thêm một bước so với những nhà hàng khác, điều đó thể hiện sự trân trọng của bạn dành cho những khách hàng của mình. Sự kết nối này cùng với những món ăn tuyệt vời, dịch vụ chu đáo thì không có lý do gì khách hàng không trở lại với nhà của bạn ở lần tiếp theo, và tiếp theo nữa.
Bạn có thể tham khảo một số phần mềm để vận hành nhà hàng trở nên trơn tru hơn nhé!
Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay