Tham gia bán hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến là một xu hướng tất yếu trong ngành kinh doanh ăn uống F&B. Mặc dù chủ quán được tạm gác nỗi lo chi phí đầu tư vào mặt bằng, nhân sự, dịch vụ tại chỗ,… nhưng sẽ phải đối mặt với bài toán cân não về chiến lược marketing, đó là “cuộc chiến hiển thị”.
Nếu bạn là người mới bước chân vào con đường bán đồ ăn online và muốn mở gian hàng trên các nền tảng của đối tác, hãy cùng iPOS.vn tìm hiểu kỹ lưỡng về cuộc chiến này để việc kinh doanh thuận lợi và đi xa hơn.
Nội dung
1. Thực trạng cuộc chiến hiển thị trên ứng dụng
Không thể phủ nhận rằng bán đồ ăn qua nền tảng của đối tác bên thứ 3 như GrabFood, ShopeeFood, Baemin,… giúp các cửa hàng dịch vụ ăn uống gia tăng sự hiện diện tới khách hàng nhanh chóng và duy trì được doanh thu đều đặn trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Tuy nhiên, kênh bán hàng này cũng tồn tại một “cuộc chiến” cạnh tranh giữa các thương hiệu rất khắc nghiệt để giành khách hàng về cho mình.
Bạn có thắc mắc: Tại sao đối tác thường đưa ra những đãi ngộ “khủng” cho các gian hàng trong thời gian đầu hay không? Họ sẵn sàng chịu hoàn toàn chi phí cho các chương trình khuyến mãi vì muốn sử dụng sản phẩm của bạn để tạo tệp khách hàng cho họ.

Đối tác thứ ba tạo cho khách hàng thói quen mua hàng như sau: Khi khách hàng muốn đặt trà sữa của quán bạn, họ sẽ không liên hệ đặt hàng trực tiếp mà truy cập vào ứng dụng để tìm kiếm khuyến mãi. Tuy nhiên, lúc này cửa hàng của bạn sẽ đối mặt với các rào cản:
Rào cản thứ nhất: Hàng loạt các chương trình khuyến mãi của thương hiệu khác hiện ngay từ trang chủ, khả năng mất khách ở đây khoảng 30%. Khách tiếp tục gõ tìm kiếm và vào xem gian hàng của bạn trên ứng dụng.
Rào cản thứ hai: Ứng dụng đề xuất danh sách những cửa hàng khác (đối thủ cạnh tranh) đến với khách hàng của bạn, có cùng món trà sữa với ưu đãi lớn hơn, vị trí gần hơn. Tỷ lệ mất khách ở đây là 50-60%.
Như vậy, đối tác đưa ra “bữa tiệc buffet” khuyến mãi trước người dùng, tạo cho khách hàng thói quen cứ lên ứng dụng là có khuyến mãi, không phải của thương hiệu này thì sẽ là của thương hiệu khác. Theo đó, để gia tăng cơ hội hiển thị trên ứng dụng, các thương hiệu đều lao vào “cuộc đua khuyến mãi”. Nếu gian hàng không có bất cứ chương trình khuyến mãi nào thì 70% gian hàng đó không được xuất hiện trên giao diện của các khách hàng mới.
Xem thêm: “Hốt bạc” với 6 bí quyết kinh doanh đồ ăn online hiệu quả
2. Ứng dụng ưu tiên hiển thị dựa trên yếu tố nào?
Khi muốn tìm kiếm một món gì đó, người dùng sẽ nhập từ khóa, ví dụ như cơm, bún, phở, gà, bò,… Ứng dụng hiểu rõ những nhu cầu của khách hàng nên sẽ chủ động hiển thị để tiện cho họ lựa chọn. Thông thường, những thương hiệu có đặc điểm sau sẽ được ưu tiên hiển thị:
– Vị trí “gần tôi: Để tối ưu việc giao hàng nhanh và tiết kiệm phí ship, những cửa hàng gần khách hàng nhất sẽ được ưu tiên hiển thị và được mở rộng theo khoảng cách từ gần đến xa.
– Đánh giá cao: Phản ánh thông qua điểm sao cao và số lượng người đánh giá.
– Khuyến mãi mạnh: Đây có thể là khuyến mãi theo chiến dịch của ứng dụng hoặc tự tạo khuyến mãi “khủng” riêng để thu hút khách hàng. Một số gian hàng mở ra với mục đích chỉ bán trên ứng dụng luôn chạy khuyến mãi.
Các chủ kinh doanh không thể hoàn toàn quyết định yếu tố vị trí “gần tôi” và đánh giá cao, vì vậy, họ “đua nhau” đưa ra khuyến mãi để được đưa vào các mục Deal xịn, Deal hot quanh đây, Miễn phí giao hàng (Freeship Xtra),…

3. Có nên chạy khuyến mãi mạnh để gia tăng cơ hội hiển thị?
Mặc dù khuyến mãi mạnh là yếu tố để gia tăng sức cạnh tranh nhất so với đối thủ, việc chạy liên tục các chương trình giảm giá trên ứng dụng dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Khách hàng dần hình thành thói quen “săn deal”, nếu cửa hàng không giảm giá thì sẽ không đặt hoặc đổi sang đặt của cửa hàng có khuyến mãi. Khi không chạy bất cứ một chương trình nào với đối tác, doanh thu cửa hàng hoàn toàn có khả năng giảm từ 60 đến 70%. Mặc dù doanh thu từ đối tác tăng và chiếm % lớn trong tổng doanh thu, nhưng do chi phí marketing quá lớn nên phần lợi nhuận mang lại từ nguồn này cho các gian hàng chưa nhiều hoặc thậm chí không có.

Thêm vào đó, các chương trình khuyến mãi trên ứng dụng có thể ảnh hưởng đến chương trình khuyến mãi nội bộ của cửa hàng. Thậm chí, có những trường hợp khách hàng gọi điện cho hotline cửa hàng nhưng không phải để đặt món mà hỏi rằng: “Hôm nay cửa hàng có khuyến mãi gì không?”. Nếu chương trình không đủ hấp dẫn, khách hàng sẽ trả lời là “Mình đặt app cho rẻ”. Khi đó, khách hàng trở thành khách hàng của ứng dụng, họ trung thành với ứng dụng chứ không phải với thương hiệu của bạn. Vì vậy, các thương hiệu không nên quá lạm dụng khuyến mãi để gia tăng cơ hội hiển thị trên ứng dụng.
Xem thêm: Kinh doanh online – Yếu tố “ghi điểm” khi không gặp khách hàng trực tiếp
4. Các gian hàng cần làm gì để gia tăng cơ hội hiển thị?
Thay vì chỉ tập trung tung ra các chương trình khuyến mãi tốn kém rất nhiều chi phí và ảnh hưởng đến bài toán lợi nhuận lâu dài của thương hiệu, hãy tìm những giải pháp khác tối ưu hơn. Các gian hàng trên ứng dụng có thể tối ưu những yếu tố sau đây để gia tăng cơ hội hiển thị và tỷ lệ khách hàng đặt đơn:
– Tối ưu tên gian hàng: Khi có nhu cầu đặt hàng, người dùng thường tìm kiếm theo từ khóa là những từ ngữ rất cụ thể: Cơm, phở, bún, trà sữa, xôi,… để dễ dàng tìm đúng món mình muốn ăn trong thời điểm đó. Tên gian hàng nên có từ về sản phẩm chủ đạo, ví dụ như Bún bò Huế O Hiền, Cơm gà Hương, Trà sữa Milky,…
– Chạy chương trình khuyến mãi hợp lý: Do chính sách ưu tiên hiển thị của ứng dụng, các gian hàng vẫn cần chạy khuyến mãi để tiếp cận nhiều khách hàng mới. Tuy nhiên, chủ quán không nên đưa ra các khuyến mãi giảm giá tràn lan, liên tục mà nên có kế hoạch hợp lý, với mục đích để kéo lượng khách hàng mục tiêu trải nghiệm sản phẩm cốt lõi.
– Sắp xếp menu món ăn khéo léo: Trong menu của gian hàng, hãy tạo nhóm món để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Với từng món, bạn nên cập nhật đầy đủ hình ảnh, giá cả và kèm theo lời mô tả hấp dẫn về hương vị món ăn. Nên tạo món ăn kèm với những món chính để khai thác thêm doanh thu.
– Chụp ảnh món ăn hấp dẫn: Nếu không có hình ảnh riêng cho từng món, ứng dụng sẽ tự động đưa ra những hình ảnh có sẵn cho món của bạn. Đây thường là những hình ảnh không hấp dẫn, kém chuyên nghiệp và khiến khách hàng không tin tưởng, không muốn đặt hàng. Trước khi biết sản phẩm có chất lượng hay hợp khẩu vị hay không, những hình ảnh bắt mắt, thể hiện được sự “ngon” của món ăn sẽ phản ánh sự đầu tư chỉn chu của gian hàng, tăng uy tín và khả năng được lựa chọn của gian hàng hơn so với đổi thủ.

– Dùng chiến thuật giá tốt: Giá tốt không phải là giá rẻ. Khách hàng có xu hướng đối chiếu giá với hình ảnh món đi kèm và mô tả món ăn và chọn những món họ cho là giá hợp lý với món đó. Bạn cần đưa ra một mức giá tương xứng với chất lượng món ăn.
– Liên tục cải thiện chất lượng sản phẩm: Khách hàng sẵn sàng chấp nhận đặt ở một quán ở xa, không có khuyến mãi nếu món ăn, đồ uống đó thực sự xuất sắc đối với họ. Vì vậy, chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố được đặt lên hàng đầu và sẽ được phản ánh thông qua đánh giá cao từ phía khách hàng. Một gian hàng nhiều đánh giá cao sẽ khiến nhiều khách hàng mới tin tưởng hơn.
Tóm lại, lời khuyên cho các chủ kinh doanh F&B khi mới bán hàng trên các nền tảng giao hàng là: Việc bán hàng qua đối tác thứ ba vẫn là đáng làm và nên làm, tuy nhiên đừng đánh mất sự chủ động của mình khi bán hàng qua giao diện của đối tác. Hãy tỉnh táo để có chiến lược đúng đắn nhằm giữ chân được khách hàng cho riêng mình.
Bạn có thể tham khảo một số phần mềm sau để công việc vận hành thật trơn tru nhé!