Kinh doanh ăn uống là mô hình chưa bao giờ hết “hot”, bởi bất cứ thời điểm nào thì nhu cầu ăn uống của con người cũng là vô hạn. Nên không hiếm người mong muốn dấn thân, khởi nghiệp với mô hình kinh doanh sinh lời này. Tuy nhiên trong thời điểm cả nước chung tay chống dịch COVID như hiện nay, thì việc “khởi nghiệp” kinh doanh ăn uống liệu có gặp nhiều khó khăn? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này. Cùng iPOS.vn tìm hiểu chi tiết nhé!
Nội dung
1. Tác động ngoại cảnh
Nhiều người có niềm đam mê với ngành ăn uống và giấc mơ mở một cửa hàng riêng ấp ủ từ lâu, khi đã đủ vốn liếng và kinh nghiệm thì “bùm” dịch bệnh ập tới. Hiện nay trên khắp cả nước, dịch bệnh đang hoành hành, nhiều thành phố lớn phải áp dụng chỉ thị 16, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Nhiều nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa bó tay với dịch bệnh, chờ nó qua đi rồi kinh doanh lại. Bên cạnh đó cũng có những nhà hàng đã vươn lên, tự khắc phục bằng cách đổi mới mô hình kinh doanh để có thể tồn tại trong mùa dịch, dù gặp nhiều khó khăn và doanh thu không thể như ban đầu, nhưng cũng đỡ hơn một phần nào chi phí đã bỏ ra. Vậy liệu “khởi nghiệp” kinh doanh ăn uống thời điểm này có hợp lý hay không?

Trước khi đi vào vấn đề có hợp lý khi mở nhà hàng/cafe thời điểm này hay không? Thì bạn hãy xem xem bản thân mình liệu đã đủ tự tin để khởi nghiệp hay chưa? Dưới đây là một số lưu ý cho những bạn đang có dự định muốn mở mô hình kinh doanh này.
Xem thêm: Thanh toán không tiếp xúc – xu hướng công nghệ đang “lên ngôi” trong ngành F&B
2. Những điều không phải ai cũng biết khi “khởi nghiệp” kinh doanh ăn uống
2.1. Đầu bếp tự mở quán lại ít khi thành công?
Hiện thực chẳng màu hồng
Món ăn ngon là điều kiện cần, nhưng cách vận hành, quản lý khoa học lại là điều kiện đủ. Rõ ràng bạn phải thấu hiểu mình đang bán món gì, món ăn đó có gì ngon, có gì đặc biệt. Làm thế nào để sự đặc biệt ấy được những thực khách biết đến, thưởng thức và công nhận lại là câu chuyện khác. Quản lý nhân viên ra sao, cách thức phối hợp giữa các bộ phận như thế nào, làm sao để tiết kiệm nhân lực nhất có thể. Nếu không thể trả lời những câu hỏi trên, hoặc không tường tận về chúng hãy đi làm thuê trước khi làm chủ.
Bạn cũng cần hình dung rõ, chủ quán phải biết làm cách nào cho nhân viên phục vụ một cách hiệu quả nhất, biết được thị trường cần gì, quán cũng cần phải biết được những thứ nhân viên không thấy dù chúng hiện hữu như chiếc cốc mẻ, bàn bẩn, nhà vệ sinh mùi… Chưa kể những thủ tục hành chính như giấy phép từ chứng nhận kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy cho đến nhà cung cấp… Đôi khi kinh doanh ẩm thực người ta chỉ ca tụng bề nổi của nghề như đắt hàng, lãi “khủng”, mà chẳng đề cập gì đến những lúc tự bỏ tiền túi bù lỗ, trắng tay?

Tư duy ngô nghê
Ví dụ như: “Nhà mình làm món bún chả rất ngon, mình sẽ mở quán bún chả rồi sau đó phát triển lớn thành chuỗi”. Nấu cho nhà ăn 3, 4 người là ngon vậy 300 – 400 người có đảm bảo giống chất lượng y hệt ban đầu hay không? Việc nêm nếm khẩu vị không phải lúc nào cũng giống nhau, huống chi đây bạn phải vừa tự nấu vừa quản lý việc kinh doanh của quán, liệu có chắc bát bún chả nào cũng ngon không?
Mở quán nhỏ đã khó, câu chuyện chuỗi có lẽ gác lại, vận hành được quán nhỏ đó rồi đủ kinh nghiệm thì tính tiếp. Mặt bằng thì sao, trang trí thế nào, nội thất cần sắm những gì, đồ dùng, dụng cụ cho khách hàng, cho bếp, nhân viên,… Có tài nấu ăn không thì bạn sẽ không thể kinh doanh tốt, nếu như bạn không học hỏi và tìm hiểu thêm về những kiến thức để làm một người chủ kinh doanh.
2.2. Đừng trông mong bán hàng cho người quen
Lúc mở quán bạn bè, người thân động viên: “Mở đi rồi, mình qua ủng hộ”. Nhưng bạn bán hàng mỗi ngày còn người thân chỉ ủng hộ được 1 tuần, nhiều nhất 1, 2 lần, sao có thể ngày nào cũng ghé quán ăn của bạn được. Rõ ràng khởi nghiệp không khó, tuy nhiên không giống như bài tập trên trường lớp có thể làm lại, sửa sai mà không mất gì, với những vấp ngã của thương trường, mất tiền bạc, công sức, thời gian chỉ là bạn có đủ sức lực để đứng lên, vực dậy hay không.
Muốn hiểu ngành dịch vụ như thế nào, hãy cố gắng trải nghiệm, học hỏi từ những nhà hàng, quán ăn đã thành công trước đó, để biết được họ đã vận hành, duy trình và đào tạo hệ thống như thế nào.

2.3. Quan trọng là yếu tố khác biệt
Vẫn là hàng phở nhưng người đông khách, quán đìu hiu, là nước dùng ngon, thành phần đẫy đà, quán khang trang sạch đẹp khách sẽ ưu ái thích đến nhiều hơn so với quán bên đường, chỗ ngồi không sạch sẽ,… Lựa chọn cho mình một thế mạnh, tận dụng thế mạnh đó để giúp quán bạn trở nên nổi bật hơn từ công thức, đóng gói đến không gian.
Chỉ khi biết được điểm mạnh của bạn là gì, từ đó mới có thể tính tiếp chuyện cạnh tranh với những đối thủ xung quanh bằng cách nào. Kinh doanh trà sữa đâu chỉ cạnh tranh với những cửa hàng trà sữa, mà còn cần cạnh tranh với những cửa hàng cafe, cửa hàng nước ép… thậm chí là những quán ăn cũng có thể là đối thủ của bạn.
2.4. Biết sử dụng đồng vốn sao cho đúng đắn
Tiền với người khởi nghiệp chính là “máu” và bạn sẽ gặp thất bại nếu không biết sử dụng đồng vốn. Do đó khi bắt đầu bạn phải tìm mọi cách để tiết kiệm tiền đầu tư cho dự án khởi nghiệp của mình.
Thông thường chi phí bạn bỏ ra sẽ bị đội lên gấp 3-4 lần so với cái bản nháp “kế hoạch kinh doanh” của bạn. Phải chi li và tính sao cho mình đủ tiền trong 1 năm tới chứ đừng có hi vọng là làm 3-4 tháng có doanh thu sẽ bù để làm tiếp. Bắt đầu kinh doanh mở nhà hàng ăn uống cũng nên cân nhắc xem mua lại đồ cũ hay mới, nên dùng phần mềm bán hàng nào tiết kiệm,… rồi từ từ sẽ nâng cấp sau.

Bạn đừng lầm tưởng là khi khởi nghiệp là giai đoạn “đốt tiền” bởi nếu hết tiền thì bạn sẽ rất khó xin hoặc vay ai khác. Cái quan trọng nhất là cách bạn xoay vòng vốn ra sao. Bạn nên xác định giữ được đồng vốn ổn định thì bạn sẽ sống, do đó trong giai đoạn đầu kinh doanh bạn hãy lên kế hoạch đầu tư thật chi tiết và đảm bảo không để lãng phí bất cứ đồng tiền nào.
2.5. Hiểu biết những rủi ro mà bạn sẽ gặp phải khi kinh doanh
Kinh doanh chắc chắn không sớm thì muộn bạn cũng sẽ gặp một vài rủi ro dù nhỏ hay lớn. Tuy nhiên, thấu hiểu và biết trước những “điềm xấu” xảy ra trong quá trình kinh doanh ăn uống sẽ giúp bạn có biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Trong quá trình kinh doanh bạn sẽ gặp một số rủi ro phổ biến như:
Rủi ro khi thuê mặt bằng
Thuê mặt bằng là một điều có thể nói là “nan giải” với bất cứ nhà kinh doanh nào. Xui rủi nếu bạn không tìm được một vị trí nhà hàng đẹp mà phải chấp nhận thuê một địa điểm “đường cùng ngõ cụt” thì bạn sẽ bị giới hạn lượng khách đến với nhà hàng.
Trên các diễn đàn, group hàng ngày có rất nhiều người sang nhượng lại cửa hàng, do vậy để lựa chọn được một vị trí thuê nhà hoàn hảo thì bạn cần sự nhanh tay, nhanh mắt và có khả năng thuyết phục chủ nhà, nếu không bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội vào tay người khác. Lưu ý một điều là bạn nên thỏa thuận giá thuê mặt bằng sao cho không vượt quá không vượt quá 10% tổng doanh thu của nhà hàng.

Nhân viên của gian lận trong bán hàng
Sẽ là một tổn thất rất lớn nếu bạn không nhận ra nhà hàng của mình đang bị nhân viên bòn rút tài sản hàng ngày. Việc gian lận thường diễn ra chủ yếu ở khâu thanh toán và quản lý kho. Điều này gây thất thoát nghiêm trọng nguyên liệu chế biến, tiền bạc của nhà hàng.
Biện pháp tối ưu nhất là sử dụng phần mềm quản lý nhà hàng để bạn hoàn toàn có thể nắm bắt mọi hoạt động của nhân viên trong quá trình bán hàng từ đó hạn chế tối đa tình trạng gian lận của nhân viên.
Khách hàng khó chịu với dịch vụ
Kinh doanh hàng ngày đều không sao, nhưng nếu một ngày nhà hàng của bạn bị khách phàn nàn và đánh giá xấu thì phải làm sao? Việc khách hàng thấy khó chịu không phải hiếm khi kinh doanh ăn uống, họ có thể gặp vấn đề với tiếp tân, phục vụ, hay chất lượng của món ăn,…
Do vậy, để phòng tránh bạn hãy đảm bảo nhà hàng của bản thân luôn sạch sẽ, nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp và biết khéo léo xử lý tình huống, luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp đón khách hàng.
3. Vậy có nên “khởi nghiệp” kinh doanh ăn uống thời điểm này không
Sau khi đã có đủ tự tin và vốn để mở cửa hàng kinh doanh ăn uống của riêng mình thì bạn hãy căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét xem có nên mở hay không. Vì điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến tình hình kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và nhân viên khi đang trong thời điểm dịch bệnh như này. Bạn cần phải căn cứ vào chỉ thị Chính phủ đưa ra và quy định chống dịch tại địa phương để áp dụng vào cửa hàng ăn uống của mình.
Trong trường hợp bạn đang ở trong khu vực giãn cách, phong tỏa hay cách ly, không được phép kinh doanh ăn uống như theo chỉ thị 16 của Chính phủ, vậy hãy tạm gác dự định “khởi nghiệp” của mình lại. Bởi vì nếu như bạn cố tình làm trái thì bạn sẽ vi phạm quy định phòng chống dịch, không những mất tiền mà còn có thể bị đình chỉ kinh doanh.

Mặt khác nếu như bạn đang ở khu vực ổn định và không chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh. Lúc này bạn có thể tự tin mở cửa hàng ăn uống theo đúng như dự định, ước mơ của mình. Tuy nhiên, hãy lưu ý chấp hành đúng quy định phòng chống dịch của chính phủ, áp dụng quy tắc 5K, không đón quá nhiều khách, mỗi bàn cách nhau 2m,… Quán của bạn nên áp dụng hình thức take away và giao hàng để có thể phục vụ thêm nhiều khách hàng.
Chắc chắn khởi nghiệp trong thời điểm hiện tại sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn nhưng nếu bạn có thể vượt qua thì đây sẽ là nền móng vững chãi cho cửa hàng sau này. Hãy đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng, lập fanpage/website để đăng tải thông tin. Dịch bệnh không thiếu những lúc hết bàn hoặc phục vụ lâu, bạn hãy đưa ra lời nhờ khách hàng thông cảm để tránh việc bị phàn nàn.
Khởi nghiệp kinh doanh ăn uống là sự lựa chọn không tồi, vì rõ ràng thị trường vẫn còn rất tiềm năng, thực khách Việt vẫn còn có nhu cầu. Bởi vậy, nếu biết khôn khéo lựa chọn đúng thị phần, có nét riêng, biết được khách hàng cần gì, quán bạn đáp ứng được gì và làm họ hài lòng bằng cách nào. Tuy nhiên trong thời điểm dịch bệnh này, bạn sẽ cần phải phụ thuộc nhiều yếu tố hơn. Để không bị thất bại ngay lần đầu khởi nghiệp, bạn hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng nhé.
Bạn có thể tham khảo một số phần mềm để vận hành nhà hàng trơn tru hơn nhé!
Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay