Công tác quản lý hàng tồn kho giữ một vị trí vô cùng quan trọng khi kiểm soát hoạt động vận hành kinh doanh của nhà hàng. Một quy trình quản lý kho chặt chẽ, khoa học và hiệu quả sẽ góp phần tạo nên thành công của từng cơ sở nói riêng và cả chuỗi nhà hàng nói chung. Vậy hàng tồn kho là gì? Hàng tồn kho được phân biệt như thế nào?
“Hàng tồn kho được hiểu là những nguyên vật liệu, hàng hóa mà tổ chức dự trữ để có thể đưa ra sử dụng/để bán khi cần thiết”. Cụ thể, hàng tồn kho trong nhà hàng là toàn bộ các loại hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ được nhập vào dự trữ trong kho, sẵn sàng bán ra cho khách hàng hoặc xuất kho ra để phục vụ cho mục đích sử dụng, chế biến, luân chuyển, và nhiều mục đích khác.
Hãy cùng iPOS.vn tìm hiểu xem trong kho nhà hàng có những chủng loại hàng hóa và nguyên vật liệu nào trong bài viết dưới đây!
1. Nguyên vật liệu
Nguyên vật liệu là những thành phần do nhà hàng mua ngoài dự trữ, để phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm bán ra cho khách hàng. Các nguyên vật liệu sẽ thay đổi về hình thái, không giữ nguyên được trạng thái ban đầu khi đưa vào chế biến, đồng thời tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh. Toàn bộ giá trị của nguyên vật liệu được chuyển trực tiếp vào sản phẩm và là căn cứ cơ sở để tính giá thành.

Trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, hệ thống nguyên vật liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định trực tiếp tới kết quả hoạt động kinh doanh. Nguyên vật liệu trong nhà hàng thường được chia thành hai loại:
– Nguyên vật liệu chính: Là những loại nguyên vật liệu là thành phần chính chiếm tỷ trọng cao trong việc cấu thành món ăn.
– Nguyên vật liệu phụ: Là những loại nguyên vật liệu không cấu thành thực thể chính của món ăn nhưng có thể kết hợp với nguyên vật liệu chính làm thay đổi màu sắc, mùi vị, hình dáng bề ngoài, tăng thêm chất lượng cho món ăn.
Xem thêm: Kế toán nhà hàng – Vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng
2. Hàng chuyển bán
Tương tự như nguyên vật liệu, các loại hàng chuyển bán thường được cung ứng trực tiếp từ nhà cung cấp để phục vụ cho kinh doanh và bán trực tiếp cho khách hàng.
Đặc điểm của hàng chuyển bán là khi mua vào với tính chất, trạng thái như thế nào thì bán ra cho khách hàng cũng với tính chất, trạng thái như vậy mà không bị biến đổi hay qua khâu sản xuất chế biến. Một ví dụ điển hình dễ thấy nhất là các mặt hàng đồ uống như chai rượu, lon bia,… Nhập hàng của nhà cung cấp nguyên lon, nguyên chai và bán ra cho khách hàng cũng nguyên lon, nguyên chai mà không thay đổi hình dạng hay mùi vị.
Trong một số trường hợp, hàng chuyển bán cũng được sử dụng như một nguyên vật liệu dùng trong chế biến, chẳng hạn như bia dùng trong món cá hấp bia.
3. Bán thành phẩm
Bán thành phẩm là những sản phẩm chỉ mới hoàn thành được một hoặc một số công đoạn, chưa tới công đoạn cuối cùng của quá trình sản xuất. Do đó, những sản phẩm chưa hoàn thiện đó còn phải tiếp tục tham gia các công đoạn sau của quá trình sản xuất, hoàn tất công đoạn cuối cùng mới được ghi nhận là thành phẩm món ăn. Nhà hàng phải theo dõi cả về số lượng và giá trị của bán thành phẩm khi lưu trữ trong kho.
Chẳng hạn như đế bánh pizza chính là một bán thành phẩm của nhà hàng. Đế bánh pizza được sản xuất tại bộ phận chế biến, nhưng vẫn cần kết hợp với nước sốt, phô mai và các loại hải sản khác mới cho ra được một sản phẩm cuối cùng phục vụ khách hàng.
4. Thành phẩm
Thành phẩm là những sản phẩm đã hoàn thành, đã kết thúc quá trình chế biến do các bộ phận của bếp sản xuất, có giá trị sử dụng và có thể sẵn sàng cung cấp trực tiếp tới khách hàng. Quay lại ví dụ trên thì bánh pizza hải sản chính là thành phẩm của cửa hàng. Đặc thù của thành phẩm trong nhà hàng là không có tồn kho, khách hàng gọi mới chế biến và thời gian lưu trữ ngắn.

5. Công cụ dụng cụ
Số lượng các loại công cụ dụng cụ trong nhà hàng rất đa dạng nên cần được theo dõi chính xác và chi tiết. Nhà hàng có thể phân loại công cụ dụng cụ thành những nhóm cơ bản sau:
- Dụng cụ nấu ăn/pha chế trong nhà hàng: Lò nướng, vỉ nướng, máy pha cafe,…
- Thiết bị làm lạnh và bảo quản: Tủ lạnh, tủ cấp đông, máy làm đá,…
- Thiết bị trữ đồ: Kệ đỡ bát đĩa, nồi, hộp đựng thực phẩm,…
- Dụng cụ bếp: Dao, thớt, bát, đĩa,…
- Bao bì sản phẩm: Túi giấy, hộp xốp,…
Công cụ dụng cụ được quản lý sau khi mua về và dự trữ trong kho, vẫn còn nguyên trạng thái mới chưa sử dụng. Lưu ý, sau khi xuất công cụ dụng cụ ra khỏi kho, công cụ dụng cụ sẽ được quản lý dưới dạng thiết bị tại bộ phận sử dụng và không mang theo giá trị tồn kho.
Như vậy, chúng ta cần nắm rõ từng khái niệm, phân loại hàng hóa và nguyên vật liệu tồn kho trong nhà hàng để có cách quản lý phù hợp với từng yêu cầu quản trị và nguyên tắc kế toán. Nếu nhà hàng của bạn đang cần bộ phận kế toán để hỗ trợ công tác quản lý kho, hãy tham khảo chi tiết thêm gói Dịch vụ kế toán nhập liệu và Dịch vụ kế toán kiểm soát hiện tại Công ty iPOS.vn đang cung cấp. Click TẠI ĐÂY để đăng ký tư vấn miễn phí 24/7.
Bạn có thể tham khảo một số phần mềm sau để vận hành công việc quản lý nhà hàng trơn tru hơn nhé!
Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay