Câu chuyện cạnh tranh đẫm máu trong thị trường đỏ F&B vẫn xảy ra khắp nơi trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Cùng với đó, có hàng nghìn quán cafe được mở ra trên thế giới mỗi ngày nhưng không phải thương hiệu nào cũng có thể tồn tại và tạo nên một “đế chế” hùng mạnh như Starbucks. Vậy loại “vũ khí hạng nặng” nào được Starbucks đưa vào sử dụng để mỗi sáng có hàng triệu người sẵn sàng chờ 15 phút để uống cafe của mình? Cùng iPOS.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nội dung
1. Hành trình phát triển của Starbucks
Với sứ mệnh là khơi nguồn cảm hứng và nuôi dưỡng tinh thần con người – một người, một cốc cà phê và một tình hàng xóm vào một thời điểm, Starbucks đã và đang tự hào vì vẫn giữ vững được tinh thần đó từ năm 1971 đến nay. Ngay từ khi khởi nghiệp, Starbucks đã thể hiện là một công ty khác biệt.
Bắt đầu là công ty với một cửa hàng đơn lẻ, mặt tiền hạn hẹp tại Chợ Pike Place lâu đời ở Seattle. Bước nhảy đà lớn bắt đầu vào năm 1983 khi Howard Schultz – chủ tịch và giám đốc điều hành Starbucks nhận ra đặc điểm chung của các quán cafe nơi đây chính là một không gian tương tác xã hội ấm áp, mang lại cảm giác thoải mái, gần gũi của một cộng đồng.
Starbucks đã đi qua không biết bao thăng trầm, trải qua nhiều đợt thay đổi logo để tái định vị thương hiệu, tính đến nay hãng đã sở hữu một số lượng cửa hàng khổng lồ trên toàn thế giới lên đến hơn 32.660.

Tuy vang danh quốc tế nhưng vào đến Việt Nam, Starbucks lại không được đánh giá cao khi đặt cạnh những tên tuổi “nặng đô” khác trên thị trường cà phê như Highland Coffee, Trung Nguyên Coffee,… Chưa kể gu cà phê đậm đà cùng với sự xuất hiện của mọi mô hình quán cafe ở mọi ngóc ngách phố phường khác nhau cũng là rào cản cho bước xâm nhập thị trường của hãng. Bằng chứng là sau hơn 7 năm du nhập, Starbucks chỉ chiếm được 1% thị trường với số lượng hơn 64 cửa hàng.
Dù còn nhiều hoài nghi về sự tiềm năng của Starbucks tại thị trường Việt, xong không thể phủ nhận hãng đang sở hữu những vũ khí cực kì mạnh mà các thương hiệu cà phê khác không có. Vậy sự khác biệt nằm ở đâu?
Đọc thêm: Mở quán cafe cần bao nhiêu vốn – Chi phí mở quán cafe chi tiết nhất
2. Starbucks và 5 vũ khí sắc bén tạo nên thương hiệu quốc tế
2.1. Định vị thương hiệu vượt trội
Bài học đầu tiên khiến cả thế giới phải nể phục Starbucks chính là định vị thương hiệu. Nhìn thấy một chiếc chai dáng thân cong với chiếc logo màu đỏ thoáng qua, người ta sẽ mặc định đó là Coca-Cola. Cũng chỉ cần một hình ảnh nàng tiên cá hai đuôi màu xanh lá xuất hiện ở góc phố, người ta dễ dàng nhận ra đó là Starbucks. Cái tên Starbucks được lấy từ một nhân vật mang đầy hơi thở đại dương, logo nàng mỹ nhân ngư hai đuôi cũng xuất phát từ đó – ẩn dụ cho việc Starbucks được sinh ra để quyến rũ những người yêu cà phê từ khắp mọi nơi.
Định vị “chốn thứ ba” cũng là một minh chứng rõ ràng cho sự khác biệt tạo nên thành công của hãng. Nhà sáng lập Howard Schultz đã đúng trong việc lựa chọn một insight đắt giá để “mua chuộc” những người yêu và cả không thích cafe.
“Trong thế giới xô bồ bận rộn, người ta cần một chốn thứ ba thoải mái cho riêng mình, để trốn khỏi văn phòng mệt mỏi và căn nhà quen thuộc”

Để làm được điều này, Starbucks đã phải nỗ lực mở rất nhiều cửa hàng. Tính đến năm 2020, thương hiệu này vẫn là công ty kinh doanh cafe lớn nhất thế giới với số lượng cửa hàng đáng mơ ước. Thương hiệu vẫn thu về hàng tỷ USD mỗi năm bằng sợi dây vô hình liên kết cảm xúc với khách hàng qua bầu không khí thoải mái, ấm áp nhưng vẫn hợp thời, cốc cafe ngon lành kiểu Ý.
2.2. Tạo ra văn hóa Starbucks
Vậy lý do gì để một thương hiệu cafe có thể tồn tại hơn 50 năm mà không bị mai một? Hơn cả một quán cafe, đó chính là văn hóa Starbucks.
Nếu được bạn hãy thử một lần tới quán cafe này để cảm nhận được “văn hóa Starbucks” đáng nhớ đọng lại từ cách bài trí, âm nhạc và cả cái cách doanh nghiệp hành động vì cộng đồng
-
Nếu tinh ý, bạn sẽ nhận ra Starbucks đặt các quầy phục vụ ở phía sau hoặc giữa của cửa hàng để đảm bảo rằng các khách hàng sẽ phải đi qua khu vực ngồi. Cách thiết kế này giúp họ dễ dàng tìm kiếm chỗ ngồi còn trống và đảm bảo khách hàng ngồi lại lâu nhất để thưởng thức đồ uống. Ánh sáng trong cửa hàng cũng chỉ tập trung ở khu vực quầy thanh toán và kệ sản phẩm. Cách trang trí thông minh này vừa thu hút ánh nhìn của khách hàng, vừa là cách dẫn khách hàng theo hành trình chủ cửa hàng mong muốn.

- Âm nhạc luôn là chất xúc tác tuyệt vời gắn kết cảm xúc con người. Hiểu được điều đó, Starbucks đã mua một công ty chuyên về chọn và phối âm, giao cho họ nhiệm vụ xây dựng sự hiện diện của nhãn hiệu Starbucks qua những bài hát vào năm 1999.
- Hình ảnh thương hiệu Starbucks luôn là hình ảnh của một thương hiệu vì cộng đồng. Tại Mỹ, doanh nghiệp này đã tạo ra hàng nghìn việc làm mới giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp. Tại các nước ở châu Phi nơi mà có các nông trại các đồn điền cung cấp cà phê cho Starbucks, công ty đã cung cấp miễn phí hạt giống, thu mua cà phê với giá cao, hay thậm chí xây dựng bệnh viện, đường xá và trường học cho con em những người nông dân tại đây.
Lý do người Việt Nam đến Starbucks cũng vậy. Họ đến đây không phải vì cafe ngon, cũng không phải vì có tình yêu với nó như câu chuyện “Dốc hết trái tim” mà Howards Schultz đã say sưa mô tả. Họ đến đây đơn giản vì thói quen, vì địa điểm thuận tiện, vì có trà, có nước hoa quả, vì thể hiện sự sành điệu hoặc để gặp gỡ trao đổi công việc. Đó chính là “nền văn hóa” mà đế chế Starbucks gây dựng.
2.3. Nhân viên là “thượng đế”
Bầu không khí của Starbucks không chỉ được tạo nên bởi cách bài trí và trưng bày, mà còn bởi con người ở đây. Chuyên gia kinh tế đều khẳng định thành công của thương hiệu là nhờ tài năng marketing của Howard Schultz. Nhưng ông lại khẳng định: “Bí quyết thành công nằm ở mỗi nhân viên Starbucks”.
Ở Starbucks, nhân viên là “đối tác” và khuyến khích họ nêu lên ý kiến để cải thiện sản phẩm và mô hình kinh doanh. Quản lý là “người dẫn đầu”, những quản lý tại đây hoàn toàn chịu trách nhiệm “truyền bá” văn hóa đến từng nhân viên của mình. Văn hóa doanh nghiệp Starbucks đặt tinh thần và môi trường làm việc của nhân viên lên hàng đầu, khuyến khích họ tạo dựng các mối quan hệ thân thiện ngay trong nhóm và luôn xem họ là “thượng đế” cần chăm sóc hết mình.

Chính sự khéo léo trong cách vận hành đã giúp doanh nghiệp này trụ vững ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi mà các công ty đang ồ ạt cắt giảm nhân sự.
Từ câu chuyện của Starbucks, chúng ta học được rằng: môi trường làm việc hiệu quả sẽ làm nên văn hóa doanh nghiệp hiệu quả, một văn hóa doanh nghiệp hiệu quả sẽ làm nên chiến lược kinh doanh hiệu quả. Nếu muốn trở thành doanh nghiệp thành công bền vững như Starbucks, hãy cố gắng học tập và áp dụng văn hóa này vào doanh nghiệp của bạn.
2.4. “Bậc thầy” của marketing truyền miệng
Vũ khí sắc bén không thể thiếu trong chiến lược tạo nên đế chế Starbucks chính là cách sử dụng Marketing truyền miệng (word of mouth). Một nghiên cứu của Nielsen cho thấy rằng người tiêu dùng đặt nhiều hàng hơn vào các lượt giới thiệu từ các nguồn đáng tin cậy hơn bất kỳ loại hình tiếp thị nào khác. Starbucks đã tận dụng và khai thác triệt để hình thức quảng cáo hiệu quả này, bằng cách tạo ra những tín đồ “nghiện Starbucks”.
Tại Việt Nam, người mua thích thú với việc sở hữu thẻ thành viên Starbucks được thiết kế đặc biệt theo từng mùa, tặng kèm với các ưu đãi đặc biệt như tặng một đồ uống miễn phí khi chi tiêu 200,000 đồng đầu tiên. Ngoài ra, vào ngày sinh nhật, khách hàng được tặng miễn phí một chiếc bánh, thay lời chúc mừng và quan tâm của cửa hàng đến người sử dụng dịch vụ. Chính nhờ những khuyến mãi này đã thúc đẩy quá trình marketing truyền miệng, đưa Starbucks đến gần hơn với khách hàng.
Viết nhầm tên khách trên đồ uống cũng là một “chiêu trò” Marketing truyền miệng đầy thú vị của hãng. Tất nhiên khả năng nghe hiểu, viết chữ của nhân viên Starbucks không hề có vấn đề gì. Nhưng họ vẫn sẽ “cố tình” viết sai tên của bạn. Chẳng hạn, “Linh” sẽ thành “Lin xinh”, “Châu” sẽ thành “Chou”.
Bằng cách chụp ảnh chiếc cốc và đăng lên mạng xã hội với lời “trách móc” đầy thú vị, bạn đã “trúng bẫy” trở thành một kênh quảng cáo miễn phí cho Starbucks. Nhờ đó mà “ngẫu nhiên”, thương hiệu được quảng bá khắp nơi mà chẳng cần mất một xu nào.
2.5. Giữ gìn bản sắc nhưng sẵn sàng đổi mới
Câu chuyện mở rộng hệ thống toàn cầu của Starbucks dĩ nhiên không toàn màu hồng. Xong doanh nghiệp luôn biết cách giữ gìn bản sắc thông qua giữ gìn các sản phẩm truyền thống, duy trì những trải nghiệm khác biệt mà cửa hàng của họ đã và đang mang lại cho khách hàng. Nhưng hãng cũng sẵn sàng đổi mới, “bản địa hóa” thương hiệu để thích nghi với thị trường quốc tế.
Thấu hiểu tâm lý người tiêu dùng, Starbucks luôn cho ra mắt các bộ sưu tập đồ uống theo mùa và chỉ bán trong thời gian giới hạn. Tại Việt Nam nói riêng, vào những dịp được nhiều người quan tâm như ngày tết, ngày phụ nữ Việt Nam, Giáng Sinh,… cũng được hãng tung ra những thiết kế cốc hay đồ uống mới, thu hút sự hưởng ứng của các “tín đồ Starbucks”.

Không chỉ đồ uống, điều này còn được áp dụng vào cả cách thiết kế cửa hàng. Vẫn giữ nguyên không gian ấm cúng, hiện đại đặc trưng của Starbucks nhưng mỗi cửa hàng tại các khu vực khác nhau sẽ được thiết kế khác nhau để phục vụ nhiều tầng lớp khách hàng, nhiều nền văn hóa đa dạng.
Ví dụ một cửa hàng Starbucks tại Phúc Châu, Trung Quốc được thiết kế theo những ngôi nhà kiểu truyền thống với mái ngói, cửa và biển hiệu làm bằng gỗ cổ cùng tảng đá khắc hình nàng tiên cá đặc trưng của Starbucks. Trong khi đó một cửa hàng tại Washington, Mỹ lại được thiết kế từ nhiều khối container bỏ hoang nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường.
Sự thành công của thương hiệu Starbucks thoạt nhìn có vẻ hào nhoáng và là ước mơ của không biết bao nhiêu doanh nghiệp cafe khác trên thế giới. Đó là thành quả của gần 50 năm tìm tòi, không ngừng đổi mới và phát triển, cũng là trái ngọt thu về sau nhiều bài học đắt giá. Mong rằng câu chuyện thành công của Starbucks sẽ truyền cảm hứng giúp bạn mở mang tầm nhìn, khai phá những ước mơ đang ấp ủ về một vị trí vững chắc trong ngành công nghiệp không khói này.
Tham khảo ngay một số phần mềm để vận hành công việc kinh doanh trơn tru hơn nhé!