Nếu là dân kinh doanh bạn chắc chắn không thể bỏ qua 6 ngôi đền, chùa dưới đây trong dịp đầu năm. Hãy cùng iPOS.vn tham khảo 1 số địa điểm dưới đây, để cùng gia đình và đồng nghiệp ghé tới để cầu tài, cầu lộc cho việc kinh doanh của bạn được thuận buồm xuôi gió, buôn may bán đắt.
Nội dung
1. Đền Bà Chúa Kho – Bắc Ninh
Đền Bà Chúa còn được dân gian truyền miệng với tên gọi “Ngân hàng địa phủ”. Chính vì thế tết đến xuân về là dịp để các thương gia, chủ kinh doanh ghé tới để “vay nợ” Bà Chúa, cầu mong Bà Chúa mở kho vàng kho bạc hy vọng khởi đầu một năm thuận lợi, mọi việc hanh thông.

2. Đền Trần – Nam Định
Đền Trần Nam Định là ngôi đền linh thiêng mang đậm dấu ấn nhà Trần, địa điểm chỉ cách TP. Hà Nội 1 tiếng rưỡi đi xe. Đây là khu di tích thờ 14 vị vua nhà Trần và các quan có công với đất nước.

Khu di tích bao gồm 3 công trình chính là: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa, cả 3 ngôi đền đều mang vẻ đẹp cổ kính và trang nghiêm.
Hàng năm, Đền Trần thu hút đông đảo du khách thập phương tới đi lễ, xin lộc. Hai lễ hội lớn sẽ được diễn ra tại nơi đây là Lễ khai ấn Đền Trần đầu năm và Hội Đền Trần tháng Tám.
Thời khắc linh thiêng được người dân mong chờ nhất là đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch – lễ khai ấn được diễn ra, mọi người tới đây đều tin rằng nếu xin được ấn tín vào thời điểm đó thì những điều họ ước mong đều thành hiện thực, cả năm suôn sẻ.
Đền Trần Nam Định là khu di tích tâm linh nên khi đến nơi đây, chủ kinh doanh cũng nên lưu ý:
- Không nên nói tục, chửi bậy tại nơi linh thiêng
- Cần ăn mặc phù hợp, lịch sự, nữ tránh mặc váy ngắn
- Tránh quay phim, chụp ảnh bừa bãi gây tiếng ồn trong đền
- Không nên chen lấn, xô đẩy khi làm lễ
- Vứt rác đúng nơi quy định, gìn giữ mỹ quan
3. Phủ Tây Hồ – Hà Nội
Dịp Lễ Tết phủ Tây Hồ đã thu hút hàng vạn lượt khách tới, không chỉ người dân Hà Nội mà còn có cả du khách thập phương trong và ngoài nước. Tới nơi đây, sẽ mang tới cho bạn có những giây phút tĩnh tâm an yên, bên cạnh đó bạn và gia đình có thể ngắm trọn vẻ đẹp của Hồ Tây thơ mộng.

Phủ Tây Hồ thờ công chúa Liễu Hạnh, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17. Năm 1996 Phủ đã được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch cấp bằng di tích Lịch sử – Văn hóa.
Khi đi lễ tại Phủ, chủ kinh doanh cần làm theo quy trình sau:
- Bước 1: Lễ ở Phủ chính
- Bước 2: Làm lễ ở Điện Sơn Trang – khu vực này là nơi để dân kinh doanh xin lộc đồng ngân đồng xuyến, cầu mong trí tuệ anh thông, để luôn có những quyết định sáng suốt trong công việc.
Bước 3: Lễ tại lầu cô, lầu cậu
Xem thêm: Vật phẩm phong thủy giúp nhà hàng/quán cafe buôn may bán đắt
4. Chùa Hương – Hà Nội
Một địa điểm tiếp theo mà chủ kinh doanh không thể bỏ qua khi đi lễ đầu năm là Chùa Hương – Hà Nội. Chùa Hương đã dần trở thành một địa chỉ quen thuộc trong tâm linh của du khách trong nước và quốc tế. Cứ mỗi độ xuân về, hàng triệu người dân nô nức trẩy hội Chùa Hương – hành trình về một miền đất Phật, để dâng lên người một nén tâm hương và một lời nguyện cầu.
Du khách tới nơi đây, chắc chắn sẽ thích thú bởi cảnh thiên nhiên non nước tuyệt đẹp, thả hồn mình hòa quyện với tuyệt tác của núi rừng. Chùa Hương còn được biết tới là tập hợp đền chùa với nhiều hang động, và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn.
Hàng năm, cứ tới ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày khai hội Chùa Hương, lễ hội được diễn ra tới hết tháng 3 âm lịch. Lễ hội chùa Hương còn là nơi hội tụ các văn hóa dân tộc độc đáo như chèo thuyền, leo núi và hát chèo, hát văn,…
5. Chùa Bái Đính – Quảng Ninh
Chùa Bái Đính là địa điểm du lịch tâm linh nằm trong quần thể danh thắng cảnh Tràng An – Ninh Bình. Với quần thể kiến trúc đồ sộ, khuôn viên rộng tới 1700 ha, hiện tại đây là ngôi chùa lớn nhất tại Đông Nam Á.

Nơi đây hiện đang nắm giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam và Đông Nam Á như: chùa có tượng Phật đồng dát vàng lớn nhất, tượng Phật Di Lặc bằng đồng dài nhất, chuông đồng lớn nhất,…
Ngoài phần lễ, chùa Bái Đính cũng có phần hội đặc trưng diễn ra hàng năm. Theo đó lễ hội xuân, khai mạc từ mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Phần lễ bao gồm các nghi thức dâng hương thờ cúng Phật, tưởng nhớ đức Thánh Nguyễn, tế lễ Thần Cao Sơn,… Phần hội bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu. Đặc biệt phần hội còn bao gồm các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm đất Cố đô. Phần sân khấu hóa được Nhà hát Chèo Ninh Bình tổ chức, tái hiện lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng Đế và lễ tế cờ của vua Quang Trung.
6. Đền Ông Hoàng Bảy – Lào Cai
Dân gian thường có câu “Cầu tài ông Bảy, cầu quan ông Mười”, ý muốn nói muốn cầu tài lộc thì lễ đền ông Hoàng Bảy, còn muốn cầu quan lộ thì nhờ cậy ông Hoàng Mười.
Vì lẽ đó, người từ thập phương đều tìm tới Đền Ông Hoàng Bảy để cầu mong cho việc làm ăn buôn bán được thuận lợi hanh thông, làm đâu trúng đó. Những người làm kinh doanh, bất động sản,… cũng thường đến đền dâng lễ xin lộc.
Khi đi lễ đền ông Hoàng Bảy, chủ kinh doanh có thể sắm lễ chay hoặc lễ mặn, quan trọng là ở tâm đức. Dưới đây là gợi ý cho bạn khi đi lễ theo đoàn, có thể chuẩn bị lễ như sau:
- Lễ mặn: mâm xôi, con gà trống, trứng gà, rượu, xấp tiền vàng
- Lễ chay: hoa tươi, quả tốt, bánh kẹo, trà thuốc, rượu bia, nước ngọt hay nước khoáng, vàng lá, hương nến, trầu cau, 1000 vàng bốn phủ, 1000 vàng tấm và tiền trần. Có điều kiện thì sắm thêm ngựa mã, quần, áo, hia mũ đầy đủ.