Chắc hẳn với những ai ghiền cà phê, Robusta và Arabica không còn là cái tên xa lạ. Đây là 2 loại cà phê được coi như “đế vương” trên toàn thế giới, và cuộc “so kè” giữa chúng thì chưa bao giờ dừng lại. Vậy giữa Robusta và Arabica, đâu là loại cà phê “đắt khách” hơn? Chủ quán hãy cùng iPOS.vn khám phá trong bài viết dưới đây nhé!
Robusta và Arabica là hai giống cà phê lâu đời và phổ biến nhất trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên, chúng thường được đưa lên bàn cân để xem đâu mới là loại cà phê ngon nhất. Về cơ bản, Robusta và Arabica có những đặc điểm khác biệt nhau hoàn toàn, từ giá cả, hương vị đến kỹ thuật phối trộn và pha chế.

Xem thêm: Cà phê ở Việt Nam có nguồn gốc như nào?
Nội dung
1. Cà phê Robusta – mạnh mẽ và cá tính
Cà phê Robusta được biết đến với cái tên Coffea Canephora hay cà phê Vối. Nó được phát hiện đầu tiên tại Congo, Robusta dần trở nên phổ biến hơn khi du nhập vào các quốc gia như Costa Rica, Borneo, Nicaragua, Jamaica,… Vào năm 1900, giống cà phê này bắt đầu du nhập vào thị trường Đông Nam Á, và dần dần thống trị toàn thế giới.

Có lẽ Robusta đã trở nên quen thuộc đối với người sành cà phê Việt. Bởi loại cà phê Vối này chiếm đến hơn 90% sản lượng cà phê trong nước, và góp công lớn giúp Việt Nam dẫn đầu thị trường xuất khẩu cà phê trên toàn cầu.
Cà phê Robusta phát triển tốt nhất trong môi trường khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa như ở Việt Nam. Loại cà phê này ưa được trồng ở độ cao dưới 1000m với nhiệt độ lý tưởng là từ 24 – 29 độ. Các tỉnh trồng cà phê Robusta nhiều nhất nước ta nằm tại khu vực Tây Nguyên, có thể kể đến như: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk … Điểm nổi bật khiến Robusta mạnh mẽ và đậm đà hơn các loại cà phê khác là hàm lượng caffeine khá cao, chiếm từ 2 – 4% hạt cà phê, trong khi hàm lượng caffeine trong Arabica chỉ chiếm từ 1 – 3%.

2. Cà phê Arabica – nhẹ nhàng và nồng nàn
Cà phê Arabica, hay còn được biết đến với cái tên cà phê Chè, là giống cà phê phố biến nhất thế giới (chiếm tới hơn 60% tổng sản lượng cà phê toàn cầu). Đây cũng là loại cà phê được người Pháp trồng đầu tiên ở nước ta. Arabica được coi như loại cà phê hảo hạng nhất, với vị thanh chua, hậu vị ngọt và vương vị trái cây nhiệt đới.
Cà phê Arabica thích hợp trồng tại vùng khí hậu ôn đới, ở độ cao trên 1000m và nhiệt độ từ 15-25 độ C. Chính vì vậy, loại cà phê này thường được trồng phổ biến ở các nước Nam Mỹ hơn.

3. Robusta và Arabica – loại cà phê nào “đắt khách” hơn?
Để đánh giá xem cà phê Robusta hay Arabica, loại nào được nhiều khách hàng ưa chuộng hơn quả khó khăn. Bởi điều này còn phụ thuộc vào gu thưởng thức cà phê của mỗi người. Tuy nhiên khi xét về độ “ngon” của cà phê, người ta thường cân nhắc tới 3 tiêu chí sau đây:
3.1. Về hương vị
Như đã đề cập phía trên, hàm lượng caffeine trong hạt Robusta gần như gấp đôi hàm lượng có trong Arabica. Vậy nên, hương vị hai loại cà phê này có sự khác biệt rõ rệt. Arabica cho một vị đắng dịu dàng, hương cà phê nhè nhẹ cùng với vị thanh chua, ngọt hậu. Robusta lại là một trải nghiệm khác, đắng hơn, mạnh mẽ hơn và cá tính hơn.

Theo nhiều chuyên gia và những người sành sỏi trong “giới cà phê”, hạt Arabica sẽ cho một hương vị dễ chịu, đa dạng và tinh tế hơn. Tuy nhiên tại Việt Nam – “thủ phủ” của Robusta, loại cà phê này vẫn khá mới lạ, khiến người ta tò mò nhiều hơn là thích thú. Và như một thói quen, người Việt luôn dành nhiều sự “ưu ái” cho cà phê Robusta, đặc biệt khi hòa quyện cùng sữa đặc. Và cũng chính Robusta là khởi nguồn cho nét văn hóa “cà phê sữa đá Việt” từ những năm đầu thế kỷ 20.
3.2. Về kỹ thuật phối trộn
Kỹ thuật phối trộn hai loại cà phê này không có công thức nhất định. Ngày nay, để cho ra được một tách cà phê có vị đắng đậm đà như chocolate, lại vừa có độ chua nhất định và để lại hậu vị ngọt về sau, người ta thường trộn Robusta và Arabica theo tỷ lệ như sau:
– Tỷ lệ Arabica/Robusta = 70/30, cho ra vị cân bằng, đắng dịu, hậu vị chua thanh.
– Tỷ lệ Arabica/Robusta = 30/70, cho ra vị đắng vừa và vị chua nhẹ.
– Tỷ lệ Arabica/Robusta = 80/20, cho ra vị chua thanh, hậu vị đắng nhẹ.
3.3. Về giá thành
Nhâm nhi cà phê mỗi sáng là không chỉ là thói quen, mà còn chứa đựng bản sắc văn hóa Việt. Từ các doanh nhân, nhân viên văn phòng cho đến các bác xe ôm, cà phê vẫn luôn là thức uống quen thuộc. Phổ biến vậy nên giá thành cà phê Robusta cũng không quá đắt đỏ, và chỉ bằng một nửa giá thành của Arabica. Đặc biệt ở đường phố Sài Gòn, không lạ lẫm khi ta bắt gặp cà phê Robusta được rao bán ở các hàng quán bình dân, thậm chí là trên các xe đẩy, xe bán rong.

Xem thêm: Kinh doanh cà phê take away và bài toán tối ưu doanh thu
Thế nhưng, không phải vì giá thành rẻ mà Robusta không phải là thức uống đáng giá. Nếu như ở phương Tây, Arabica là thức uống nhanh để tỉnh táo, thì ở Việt Nam Robusta lại là thứ cà phê để người ta nhâm nhi ngẫm nghĩ sự đời. Xét về cả ba tiêu chí trên, khó có thể phân bua Robusta hay Arabica – loại cà phê nào “đắt khách” hơn. Hãy thưởng thức cả hai loại cà phê này để đưa ra nhận định riêng cho bản thân mình nhé!
Bên cạnh lựa chọn cho quán Robusta hay Arabica thì các phần mềm quản lý cũng vô cùng quan trọng trong việc vận hành quán cà phê đó!