Search
Close this search box.

Tin tức mới

Chiến lược marketing 7P của Phê La – Case study điển hình đáng học hỏi của ngành F&B

Chiến lược marketing 7P của Phê La

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Giữa lúc thị trường trà sữa đang dần thoái trào, Phê La xuất hiện như “một làn gió mới”, tạo ra trào lưu trà sữa đậm vị “gây sốt” trong giới trẻ. Một trong những yếu tố then chốt giúp Phê La đạt được thành công như hiện tại đó là nhờ chiến dịch tiếp thị đúng đắn, phù hợp với bối cảnh thị trường F&B Việt Nam. Cùng iPOS.vn tìm hiểu chi tiết chiến lược marketing 7P của Phê La để nắm bắt bí quyết thành công của thương hiệu này nhé!

1. Giới thiệu tổng quan về thương hiệu Phê La 

Thị trường trà sữa Việt Nam hiện nay đang đi vào giai đoạn bão hòa. Vị “ngọt” của trà sữa coi như đã tan đi, chỉ còn “hậu vị” đắng với những doanh nghiệp đã đầu tư lớn mở chuỗi cửa hàng Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít nhãn hàng thành công bất chấp sự đào thải khốc liệt của thị trường. Trong đó, không thể không nhắc đến thương hiệu Phê La cùng những chiến lược độc đáo và đầy tiềm năng của mình. 

Dù ra mắt từ tháng 3 năm 2021, tuy nhiên phải đến cuối năm 2022, Phê La mới bắt đầu “hot rần rần” và trở thành “tên tuổi” lớn trong ngành nhờ định vị nguyên liệu đặc sản đầy táo bạo. Trải qua gần 3 năm phát triển, hiện thương hiệu đã có mặt tại 4 thành phố với 21 cửa hàng trên toàn quốc. Có thể thấy, Phê La có một hành trình phát triển rất ấn tượng – xứng đáng là một trong những case study thành công đáng học hỏi trong ngành kinh doanh dịch vụ đồ uống. 

Chiến lược marketing 7P của Phê La
“Tân binh” Phê La “gây sốt” thị trường trà sữa Việt với định vị Ô long đặc sản

2. Mô hình SWOT của Phê La 

SWOT là mô hình kinh điển trong kinh doanh và tiếp thị. Nó giúp các chiến lược gia phân tích và nhìn nhận tình hình tổng quát của một thương thông qua 4 yếu tố: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Cùng phân tích mô hình SWOT của Phê La ngay sau đây nhé! 

2.1. Điểm mạnh của Phê La 

Những thế mạnh của Phê La được thể hiện ở các yếu tố sau: 

– Định vị nguyên liệu đặc sản chất lượng: Phê La là thương hiệu tiên phong sử dụng nguyên liệu lá trà Ô Long, đặc sản của Đà Lạt. Nhờ vậy, các sản phẩm đều mang đậm vị lá trà, tạo ra sự khác biệt với phần còn lại trên thị trường. 

– Bao bì mới lạ, thân thiện với môi trường: Tất cả các bao bì của Phê La đều được làm bằng nguyên liệu giấy thân thiện với môi trường. Đồng thời thương hiệu còn gây ấn tượng bởi những hình vẽ xinh xắn theo phong cách cắm trại đầy mới lạ trên mỗi cốc đồ uống. 

– Concept cắm trại độc đáo: Đi theo concept cắm trại “có 1 không 2”, Phê La gây dựng được mối quan hệ thân thiết với nhóm khách hàng mục tiêu, khiến họ dễ liên tưởng tới các buổi picnic nhẹ nhàng, thư giãn. 

– Dịch vụ khách hàng tốt: Lấy khách hàng làm trung tâm, mọi dịch vụ của Phê La đều được phát triển xoay quanh nhu cầu và hành vi của tệp khách hàng mục tiêu. 

– Menu đồng uống ấn tượng: Sở hữu công thức pha chế sáng tạo và mỗi đồ uống đều được đặt tên gắn liền với hình ảnh Đà Lạt, tạo ra sự hứng thú và tò mò cho khách hàng khi tới quán. 

– Câu chuyện thương hiệu đặc biệt, gắn liền với các giá trị cốt lõi: Từ định vị ô long đặc sản Đà Lạt, Phê La thành công xây dựng cho mình những câu chuyện thương hiệu thú vị, gần gũi, gắn liền với hành trình mang hương vị Đà Lạt tới tay khách hàng. 

– Độ nhận diện thương hiệu cao: Trải qua gần 3 năm hình thành và phát triển, đến nay Phê La đã trở thành một trong những tên tuổi quen thuộc trong ngành F&B Việt, sánh vai cùng các ông lớn như Gong Cha, Phúc Long, Koi Thé,… 

Chiến lược marketing 7P của Phê La
Từ bao bì đến sản phẩm, Phê La đều tạo được dấu ấn riêng đầy khác biệt

2.2. Điểm yếu của Phê La 

Bên cạnh những điểm mạnh trên, Phê La cũng tồn tại một số hạn chế sau đây: 

– Sản phẩm chưa đa dạng: Phê La có điểm cộng là menu đồ uống độc đáo, tuy nhiên lại không quá đa dạng, chỉ khoảng 20 loại, chủ yếu là trà ô Long. 

– Giá thành khá cao: Tuy đối tượng khách hàng mục tiêu chủ yếu là học sinh, sinh viên và dân văn phòng nhưng giá sản phẩm của Phê La lại khá cao, thuộc phân khúc trung cấp và cao cấp. Thậm chí, một số dòng sản phẩm mới như Ô long Matcha còn có giá thành cao bằng các “ông lớn” như Starbucks. Điều này khiến Phê La phần nào trở nên “yếu thế” khi cạnh tranh về giá với các đối thủ khác. 

– Quy mô chưa lớn:  Mới hoạt động được khoảng 3 năm, nên dù phát triển mạnh Phê La cũng chỉ sở hữu tổng 21 cửa hàng. Điều này khiến thương hiệu có phần lép vế hơn so với các đối thủ khác trên thị trường như Phúc Long, Highlands Coffee, The Coffee House. 

Chiến lược marketing 7P của Phê La
Tuy có độ nhận diện cao nhưng quy mô cửa hàng Phê La chưa lớn

2.3. Cơ hội của Phê La 

– Thị trường trà và trà sữa “siêu” tiềm năng: Dù được cho là đã bão hòa, nhưng thị trường trà và trà sữa vẫn luôn giữ được độ “hot” và có tệp khách trung thành riêng. Ngoài ra, thị trường F&B luôn luôn biến động và có sự xoay vòng nên tiềm năng của mô hình kinh doanh trà sữa hiện nay vẫn vô cùng lớn. 

– Sản phẩm nội địa trở thành xu hướng: Những năm trở lại đây, việc sử dụng các nguyên liệu đặc sản đặc biệt được giới trẻ yêu thích. Bởi lẽ, nó giúp gợi lên tinh thần dân tộc và đi kèm với việc được đảm bảo chất lượng vì là sản phẩm nội địa sản xuất. 

– Sức hút “vĩnh cửu” của Đà Lạt: Sức hấp dẫn của Đà Lạt chưa bao giờ suy giảm, nơi đây vẫn là địa điểm du lịch yêu thích số 1 của nhiều bạn trẻ. Do đó, những đặc sản của địa phương này cũng được người tiêu dùng hưởng ứng một cách tiêu cực. 

2.4. Thách thức của Phê La 

– Thị trường cạnh tranh lớn, nhiều đối thủ mạnh: Ra đời muộn hơn các thương hiệu khác, như một lẽ hiển nhiên, Phê La sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ lớn trên thị trường như Phúc Long, Cheese Coffee, Koi Thé, Gong Cha, The Alley,… 

– Hành vi tiêu dùng thay đổi: Hậu đại dịch COVID-19, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là các chế độ ăn uống lành mạnh. Vô hình chung, điều này đã tạo nên những thách thức không nhỏ cho các nhà kinh doanh trà sữa – món đồ uống được gắn mác không lành mạnh. 

– Lạm phát gia tăng: Kinh tế suy thoái kéo theo lạm phát gia tăng là tình hình chung đáng báo động của toàn ngành. Tất cả các chi phí vận hành cần thiết như mặt bằng, nguyên vật liệu, nhân sự,.. đều gia tăng do chịu ảnh hưởng từ lạm phát kéo dài. Điều này tạo ra thách thức vô cùng lớn đối với một thương hiệu đang trong giai đoạn phát triển quy mô như Phê La. 

Chiến lược marketing 7P của Phê La
“Sinh sau đẻ muộn” nên Phê La phải cạnh tranh với nhiều ông lớn trong ngành

3. Chiến lược marketing 7P của Phê La – Khác biệt để thành công 

Nếu phải dùng một câu nói để miêu tả chiến lược kinh doanh của Phê La thì đó chính là “chọn khác biệt, chọn thành công”. Tận dụng thế mạnh là nguồn nguyên liệu đặc sản độc đáo, công thức pha chế sản phẩm sáng tạo, Phê La đã thực hiện những chiến lược marketing khôn ngoan nhằm xây dựng hình ảnh thương hiệu khác biệt, nhanh chóng chinh phục khách hàng và chiếm lĩnh thị trường. Cùng tìm hiểu chi tiết các chiến lược marketing 7P của Phê La ngay dưới đây nhé: 

3.1. Product 

“Chúng tôi bán Ô long đặc sản Đà Lạt”. Câu nói thương hiệu của Phê La như một lời khẳng định đầy mạnh mẽ về nguồn gốc và chất lượng từng cốc đồ uống của thương hiệu. Không đi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm như nhiều thương hiệu khác, Phê La tạo ra sự khác biệt nhờ phát triển dòng sản phẩm từ lá trà ô long thượng hạng Đà Lạt, nhằm mục đích tôn vinh nông sản Việt. 

Đặc biệt, trà sữa Phê La được tạo nên bởi Syphon – phương pháp pha chế cà phê bằng áp suất, dựa trên nguyên lý thẩm thấu ngược tạo ra lớp kem bọt đặc trưng có một không hai trên thị trường. Nhờ vậy, các sản phẩm của Phê La đều có “chất” rất riêng, không tìm thấy được ở các thương hiệu khác. Một số thức uống signature của Phê La có thể kể đến như Ô long nhài sữa, Phan xi băng, trà vỏ cà phê, khói b’lao,… 

Chính chiến lược sản phẩm độc đáo này đã đặt nền móng cho sự phát triển của Phê La. Nhờ định vị sản phẩm khác biệt, khách hàng sẽ không đặt ra sự so sánh giữa chất lượng, giá thành của thương hiệu với các đối thủ khác trên thị trường. Bởi vậy mà mỗi khi Phê La ra mắt đồ uống mới đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các “tín đồ trà sữa” và tạo nên hiệu ứng truyền thông rất tốt trên các nền tảng mạng xã hội. 

Nắm bắt được tâm lý này, Phê La cũng liên tục cho ra mắt các loại đồ uống mới lạ, chất lượng và hấp dẫn khách hàng. Chẳng hạn như hai đồ uống mới nhất là “Phong Lan” và “Phê Truffle” cũng khiến nhiều người thích thú và đến thử. Thương hiệu cũng liên tục cho ra mắt những loại topping mới theo mùa như Trân châu cốm, trân châu vani,… để tạo sự mới mẻ cho đồ uống. 

Chiến lược marketing 7P của Phê La
Mỗi lần ra mắt sản phẩm mới của Phê La đều nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khách hàng

3.2. Price

Như đã nói ở trên, thay vì định vị thương hiệu ở phân khúc cao cấp, thượng hạng, hay giá rẻ, bình dân như các đối thủ khác, Phê La lựa chọn định vị theo hướng sản phẩm đặc sản. Do đó, chiến lược giá cả của Phê La cũng tập trung vào việc cân nhắc giữa chất lượng sản phẩm và giá trị mà khách hàng nhận được.

Mức giá trung bình của Phê La dao động từ khoảng 39.000 – 83.000 đồng. Mức giá này được đánh giá là cao hơn một số đối thủ khác trên thị trường, nhưng Phê La luôn đảm bảo rằng giá trị mà khách hàng nhận được tương xứng với số tiền mà họ đã bỏ ra. Từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng đến bầu không khí trong mỗi cửa hàng đều đóng góp vào những giá trị này. 

Thêm vào đó, đối tượng khách hàng mà Phê La hướng tới chủ yếu là sinh viên, dân văn phòng, là những tệp khách trẻ, có tài chính khá và “chịu chi” cho việc ăn uống. Vậy nên, tầm giá thương hiệu đưa ra khá phù hợp, vừa đảm bảo giá trị của thương hiệu, vừa nằm trong khả năng tài chính của người dùng. 

3.3. Place

Làm một thương hiệu “sinh sau đẻ muộn” trong cuộc chiến chuỗi đồ uống trà và trà sữa tại Việt Nam, Phê La rất chú trọng trong việc nâng cao mức độ hiện diện của mình trên mọi “mặt trận”. Do đó, hầu hết các mặt bằng của Phê La đều nằm ở những nơi đông đúc, có vỉa hè rộng rãi, sáng sủa. Tất cả các cửa hàng chi nhánh thuộc hệ thống của Phê La đều được đồng bộ phong cách với tone màu trầm ấm, sắp xếp đan xen giữa bàn ghế chất lượng gỗ và dù, tạo cảm giác kết nối giữa văn hóa truyền thống Hà Nội và tinh thần “cắm trại” của Đà Lạt. Phê La đang dần tạo độ phủ thương hiệu cực lớn bằng cách liên tục mở ra các cơ sở mới ở các vị trí đắc địa: góc đường đông đúc, gần trường học, gần văn phòng,… đều giúp Phê La dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn.

Có thể thấy, Phê La đã rất khôn ngoan trong từng điểm chạm nhỏ để khách hàng có thể thấy, biết và nhớ đến thương hiệu. Chiến lược địa điểm của Phê La đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển “như vũ bão” của thương hiệu trong thời gian qua. 

Bên cạnh đó, không đứng ngoài xu hướng bán hàng online, Phê La cũng “bắt tay” với các bên đối tác thứ ba để xuất hiện trên các nền tảng Shopee Food, Grab Food, BeFood. Ngoài ra, Phê La cũng có hotline riêng để khách có thể dễ dàng đặt hàng nhanh chóng.

Chiến lược marketing 7P của Phê La
Các cửa hàng của Phê La đều nằm ở những vị trí rộng rãi, thoáng mát

3.4. Promotion

Chiến lược truyền thông của Phê La được thực hiện một cách tổng thể trên tất cả các kênh để tạo nhận diện thương hiệu và thu hút sự quan tâm của khách hàng. Cụ thể: 

– Xây dựng trang web độc đáo: Phê La là một trong số ít thương hiệu đặt nhiều tâm huyết vào trang web của mình. Tuân thủ đúng phong cách khác biệt của mình, trang web của Phê La không chỉ được thiết kế để giới thiệu sản phẩm mà còn mang đến câu chuyện thương hiệu, hành trình đến với nguyên liệu Ô long đặc sản Đà Lạt và các cột mốc quan trọng của thương hiệu. Bên cạnh đó, trang web này cũng hỗ trợ dịch vụ đặt hàng trực tuyến, giúp khách hàng dễ dàng trải nghiệm dịch vụ của Phê La hơn. 

– Truyền thông trực tiếp qua các nền tảng mạng xã hội: Đối tượng khách hàng mục tiêu của Phê La là học sinh, sinh viên, dân văn phòng – những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội hàng ngày. Do đó, thương hiệu cũng tập trung đẩy mạnh các chiến dịch quảng cáo trên các nền tảng này để tiếp cận trực tiếp với khách hàng và tạo mối liên kết với họ. 

Phê La mang thông điệp tới gần khách hàng hơn qua các thước phim đẹp như tranh vẽ (nguồn: Phê La)

– Quảng cáo tại cửa hàng: Bên cạnh các kênh online, Phê La cũng sử dụng không gian tại cửa hàng để quảng cáo và thúc đẩy bán hàng. Thương hiệu tận dụng những bao bì, menu và bảng hiệu để truyền tải các thông điệp về sản phẩm cũng như các chiến dịch truyền thông mới nhất đang diễn ra. 

– Chương trình khuyến mãi và sự kiện: Phê La thường xuyên xây dựng các chương trình khuyến mại, tặng kèm voucher, quà tặng cho khách hàng nhân những ngày đặc biệt như 2/9, 20/10, Lễ Giáng Sinh,.. Điều này giúp thu hút sự quan tâm của khách hàng cũng như tạo điểm nhấn cho thương hiệu. 

Xem thêm: Thành công của Phê La và chiến lược kinh doanh có 1-0-2 

3.5. People 

Trong chiến lược tiếp thị của Phê La, thương hiệu đặc biệt chú trọng đến các yếu tố con người. Mọi dịch vụ, chính sách của Phê La đều hướng tới việc tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng. Nhân viên Phê La luôn sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận ý kiến phản hồi của khách hàng. Bởi vậy, thương hiệu tạo được thiện cảm và giúp thực khách tới quán cảm thấy quan trọng và được quan tâm. 

Chiến lược marketing 7P của Phê La
Phê La luôn lấy khách hàng là trung tâm để không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình

3.6. Process

Với chiến lược marketing đầy khác biệt, Phê La cũng lựa chọn một quy trình phát triển sản phẩm đặc thù để tạo ra vị thế vững chắc khi cạnh tranh. Từ khâu lựa chọn, chế biến nguyên liệu đến khâu pha chế, trình bày đều được thương hiệu chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và cẩn trọng. Tất cả các lá trà Ô long tại Phê La đều được thu hoạch và sơ chế thủ công. Dựa vào đó, đội ngũ nhân sự R&D của công ty sẽ tạo ra những sản phẩm vị nguyên bản, đậm chất trà tại Phê La. 

Ngoài ra, Phê La cũng rất chú trọng vào quy trình phục vụ khách hàng tại mỗi điểm bán. Đội ngũ pha chế của Phê La được chia ra thành 2 đội phụ trách các dòng sản phẩm khác nhau, nhằm tối ưu thời gian phục vụ, chất lượng sản phẩm một cách tốt nhất. Thêm vào đó, mỗi khâu phục vụ tại cửa hàng cũng có những nhân viên chuyên trách riêng, sát sao từng nhu cầu của khách hàng, giúp họ có trải nghiệm tốt nhất. 

3.7. Physical Evidence

Không đi theo phong cách cà phê sang chảnh, xa hoa, Phê La lựa chọn một lối đi riêng với concept cắm trại “chill chill” để chinh phục khách hàng. Do đó, thương hiệu lựa chọn trang trí cửa hàng với ghế dù, bàn xếp để đưa khách hàng đến một không gian Đà Lạt thu nhỏ giữa lòng thành phố. Đến với Phê La, thực khách sẽ được cảm nhận bầu không khí dễ chịu, thoải mái, giúp giải tỏa những áp lực mệt mỏi sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng. 

Chiến lược marketing 7P của Phê La
Concept cắm trại độc đáo giúp Phê La tạo ra sự khác biệt

4. Bài học từ chiến lược marketing 7P của Phê La

4.1. Chọn lối đi riêng, khác biệt để thành công 

Trong bối cảnh thị trường đầy rẫy những thương hiệu trà sữa lớn bé, Phê La đã tìm cho mình một lối đi riêng biệt để thành công. Chính nhờ định vị nguyên liệu Ô long đặc sản Đà Lạt đã giúp Phê La trở nên khác biệt so với phần còn lại của thị trường. Bên cạnh đó, những chiến lược khác biệt về không gian, cách đặt tên sản phẩm cũng như các chiến lược truyền thông thú vị cũng là “điểm cộng” giúp thương hiệu tạo ra dấu ấn riêng trong lòng khách hàng. 

4.2. Phát triển những giá trị bền vững 

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Phê La đạt được thành công như hiện tại chính là việc thương hiệu luôn theo đuổi những giá trị bền vững. Nếu chỉ chăm chăm chạy theo việc mở rộng quy mô và phát triển doanh số, có lẽ, Phê La sẽ không nhận được sự yêu mến lớn đến vậy. Tập trung vào sứ mệnh mang lại sự phát triển bền vững cho lá trà Ô long đặc sản Đà Lạt đã giúp Phê La “được lòng” nhiều khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Bởi lẽ, điều này đã giúp khơi dậy tinh thần dân tộc và tâm lý trách nhiệm ẩn sâu bên trong mỗi người trẻ Việt. 

Chiến lược marketing 7P của Phê La
Định vị nguyên liệu đặc sản giúp Phê La được giới trẻ Việt ưu ái hơn hẳn

4.3. Lấy khách hàng làm trung tâm 

Khách hàng được coi là yếu tố quan trọng nhất trong kinh doanh dịch vụ ăn uống. Do đó, làm hài lòng và đáp ứng những yêu cầu của khách hàng là điều cần thiết để một thương hiệu phát triển thành công. Và Phê La đã làm rất tốt điều này. Mọi dịch vụ, sản phẩm trong chiến lược kinh doanh của thương hiệu đều lấy khách hàng làm trọng tâm để phát triển. Thương hiệu luôn chú trọng tới từng nhu cầu, sở thích của khách hàng, dù là nhỏ nhất, để giúp khách hàng cảm thấy thoải mái và dễ chịu mỗi khi ghé Phê La. 

5. Tạm kết 

Câu chuyện về sự phát triển của “Tân binh khủng long” Phê La đã mang đến nguồn cảm hứng đầy ấn tượng cho những nhà kinh doanh mới. Mặc dù ra đời giữa thời điểm thị trường đầy rẫy nguy cơ nhưng Phê La đã làm rất tốt để chinh phục khách hàng và tìm được chỗ đứng vững chắc trong ngành. Có thể thấy, chiến lược marketing 7P của Phê La đã được thực hiện một cách chính xác, vừa khai thác được điểm mạnh là sản phẩm đặc thù vừa truyền thông hiệu quả thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải. 

Chia sẻ bài này tới bạn bè ->

Đọc Thêm

Search

bài viết mới nhất

Scroll to Top

LIÊN HỆ NGAY

Ngày
Giờ
Phút
Giây

TRỌN BỘ GIẢI PHÁP

chỉ với 5.800.000 VNĐ
ƯU ĐÃI KHỦNG CHỐT LIỀN TAY
DOANH THU VỀ VỚI QUÁN NGAY

Kinh doanh Offline tại cửa hàng

Kinh doanh trên nền trảng Online

Quản trị nhân sự & chấm công

Chăm sóc khách hàng hiệu quả

Nâng cao hệ suất kế toán & quản trị kho

Công cụ phân tích dữ liệu

Dịch vụ khác