Chỉ với một từ khóa “đồ ăn ship” sẽ cho ta hàng trăm ngàn các kết quả tìm kiếm trên Facebook và Google. Số lượng người bán đồ qua hình thức này dự kiến sẽ ngày càng một tăng trong thời gian tới với sản phẩm ngày càng đa dạng và cạnh tranh hơn. Liệu kinh doanh đồ ăn online có dễ dàng như lời hứa hẹn “1 vốn 4 lời”?
Diễn ra vào chiều ngày 30/09/2017, hội thảo “Đồ ăn ship – 1 vốn 4 lời” do Lozi và iPOS.vn tổ chức đã mang đến những cuộc tranh luận rất thú vị xoay quanh bán đồ ăn online.
Nội dung
1. Tiềm năng của thị trường kinh doanh đồ ăn online
Bằng cách so sánh và dẫn chứng những số liệu kinh doanh từ thị trường Trung Quốc – nước có nhiều điểm tương đồng với nền kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Trường – CEO của Ahamove đã chỉ ra rằng, thị trường giao đồ ăn khu vực tăng đột phá. Là đơn vị chuyên về mảng giao hàng trong ngành F&B, ông Trường cũng nhận thấy sức nóng và tiềm năng phát triển của kinh doanh đồ ăn online khi mỗi ngày, số lượng khách đặt đồ online ngày càng lớn.
Phân khúc thị trường trong mảng đồ ăn online cũng chia nhỏ hơn thay vì chỉ có mỗi đồ ăn vặt như trước. Các dòng sản phẩm mở rộng sang đồ uống như nước trái cây, trà sữa, hay đồ ăn trưa, bữa tối, thực phẩm đã chế biến sẵn. Đó sẽ là bất cứ thứ gì miễn là khách hàng có nhu cầu.
Đọc thêm: Hệ thống đặt hàng online cho nhà hàng

Ông Trường cũng chia sẻ để thành công, bạn cần hiểu rõ khách hàng của mình là ai. Theo ông, hiện nay nhóm độ tuổi mua đồ online nhiều nhất là trong khoảng từ 15-34. Đây là nhóm nhanh nhạy với công nghệ, thích nghi nhanh chóng với những cái mới, họ cập nhật những thông tin, sự kiện tiêu biểu mỗi ngày. Theo phân tích nhân khẩu học, nhóm đối tượng từ 25-35 là nhóm độ tuổi chi tiêu nhiều nhất. Bạn nên chọn khách hàng trong khoảng này, là những người bận rộn không có thời gian để ra ngoài mua đồ, có thu nhập khá, thường là dân công sở. “Dựa trên số liệu về khung giờ khách đặt đồ nhiều nhất mà Ahamove thu được là hai khoảng từ 10-12h sáng và 15-17h chiều, đây là hai khung giờ mà dân văn phòng thường gọi đồ ăn trưa và chiều.” Đối với những người đi làm công sở thì sự tiện lợi là ưu tiên hàng đầu.
Để một người lựa chọn khởi nghiệp kinh doanh F&B với một số vốn ít ỏi thì kinh doanh đồ ăn online là một lựa chọn sáng suốt. Ông Trường cũng phân tích: “Thay vì bạn phải thuê một cửa hàng mặt tiền đẹp, đầu phố với chi phí vô cùng đắt đỏ thì chỉ một cửa hàng nhỏ trong ngõ cũng sẽ vận hành vô cùng hiệu quả. Nếu như trước đây, bạn dành 2/3 diện tích để làm khu vực kê bàn cho khách và 1/3 cho bếp thì khi chuyển sang kinh doanh online, mọi thứ sẽ ngược lại. Số lượng khách được phục vụ nhiều hơn, khách hàng khi mua đồ online cũng sẽ mua nhiều hơn vì suy nghĩ chung là tiện một công tiền ship. Vì thế bạn cần tối ưu hóa không gian, tập trung làm kho và bếp”. Ngoài tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, kinh doanh online còn giảm bớt một phần gánh nặng về nhân sự vận hành.
2. Những rủi ro khó tránh

Tuy nhiên, đứng dưới góc nhìn của một người đã 5 năm từng lăn lộn kinh doanh đồ ăn online, anh Nguyễn Khắc Hiếu – CEO của Quà Vặt Online đã cho rằng phải thật tỉnh táo khi quyết định đầu tư. Khi thị trường có quá nhiều người chơi sẽ dẫn đến tính cạnh tranh rất cao. Nếu sản phẩm không chất lượng và không có sự khác biệt thì rất khó thành công.
“Ngoài ra, một vấn đề khó khăn nữa là vấn đề giao thông khi ship hàng. Nhất là khi ship hàng vào giờ cao điểm, phải lường trước các sự cố có thể xảy ra như đổ, vỡ, sản phẩm bị xô lệch không nguyên vẹn như ban đầu. Với tình trạng giao thông như Việt Nam thì đây là một trở ngại khá lớn cho những người kinh doanh đồ ăn ship”.
Tối ưu chi phí trong bán đồ ăn ship cũng là một vấn đề được ông Hiếu minh họa bằng dẫn chứng. “Có rất nhiều các thương hiệu pizza ngày nào cũng đưa ra các chương trình khuyến mãi mua 1 tặng 1, thậm chí mỗi ngày tặng 1 loại khác nhau. Sở dĩ, họ làm vậy để tối ưu hóa các sản phẩm đầu vào. Càng sản xuất nhiều thì chi phí đầu vào càng thấp. Ví dụ thứ 2 đầu tuần họ giảm giá pizza gà, rất nhiều người đặt pizza gà nên đầu vào được giá tốt. Và một cái nữa là sản phẩm thừa ít nên họ sẽ không tốn chi phí cho hàng tồn kho.”

Cuối cùng, anh Hiếu thẳng thắn cho rằng: “1 vốn 4 lời thì chưa chắc, có khi thực tế phải là 5 vốn 1 lời. Nhiều người lầm tưởng rằng đồ ăn ship thì chi phí thấp nhưng với công ty mình thì phải chịu 2 khoản chi phí về con người và ship hàng. Cái tiền ship hàng bên mình một tháng mất tương đối lớn. Nên mọi người đừng tưởng là nó hấp dẫn quá, phải đánh giá chi tiết về mặt tài chính không thì sẽ chịu khá nhiều rủi ro.”
Cái “lời” nhận được
Để kết lại, ông Nguyễn Xuân Trường đã có những lời chia sẻ rất chân thành dành cho hơn 100 khán giả về câu hỏi chủ đề của chương trình: “1 vốn 4 lời”: “Cái lời mà ai cũng nghĩ đến đầu tiên là lợi nhuận. Tuy nhiên, cái lời đó không phải là tất cả. Cũng như bất kỳ công việc kinh doanh khác, chúng ta sẽ có cái lời về kiến thức – những thứ mà chúng ta học hỏi được trong cuộc sống. Khi bạn làm việc bằng sự đam mê, bạn sẽ có một cái lời nữa là niềm vui. Những trải nghiệm và kinh nghiệm mà bạn có được sẽ giúp ích rất nhiều cho sau này. Cái lời thứ 4 mà theo tôi ở đây là bạn có thể mở rộng các mối quan hệ, quen biết và làm việc với nhiều khách hàng, đối tác.”