Nhu cầu và thói quen của khách hàng luôn thay đổi không ngừng, đòi hỏi các thương hiệu F&B phải nhanh chóng nắm bắt để có thể đưa ra chiến lược marketing phù hợp. Khách hàng quan tâm tới dịch vụ ăn uống thường xuất hiện ở đâu trên các kênh online? Họ có hành vi và thói quen như thế nào? Điều gì sẽ chinh phục và thúc đẩy họ đến trải nghiệm món ăn, đồ uống tại một nhà hàng, quán cafe?
Hãy cùng iPOS.vn theo dõi những số liệu trong Nghiên cứu khảo sát về hành vi khách hàng ngành F&B mới nhất (theo Digital Silk) dưới đây của để có phương án marketing hiệu quả nhất tới đối tượng khách hàng của mình trong năm 2022.
Nội dung
1. 32% bài đăng trên Facebook nhắc đến các thương hiệu F&B
Mạng xã hội là một trong những kênh truyền thông tạo lợi nhuận cao nhất cho lĩnh vực F&B. Thống kê cho thấy các doanh nghiệp F&B là những thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất trên Facebook.
– Các bài đăng của thương hiệu trên mạng xã hội là nguồn cảm hứng trong bữa ăn cho 19% người dùng.
– Trong đó, 6 trong số 10 thương hiệu phổ biến nhất trên Facebook đều thuộc lĩnh vực F&B. – Facebook, Instagram,… là một trong những kênh hiệu quả nhất để thực hiện chiến lược Digital marketing.
Vậy các thương hiệu F&B nên tận dụng mạng xã hội như thế nào trong chiến lược Digital marketing tổng thể? Trước hết, hãy tích cực sáng tạo các bài viết trên Fanpage Facebook đặt sản phẩm vào các chủ đề mà khách hàng mục tiêu quan tâm. Chẳng hạn như chủ đề “Những địa điểm nhất định phải đưa người ấy đến vào ngày Valentine” thì trong phần nội dung sẽ có địa chỉ nhà hàng hoặc quán cafe của thương hiệu.

Để thương hiệu lan tỏa đến nhiều người trên Facebook, hãy chạy quảng cáo hướng đến khách hàng mục tiêu với nhiều định dạng nội dung khác nhau. Khi đó, bạn có thể thu hút mọi người quan tâm có nhu cầu vào phễu bán hàng. Bên cạnh đó, nội dung do người dùng sáng tạo (user-generated content) cũng là xu hướng mới được yêu thích vì tính chân thực của nó. Hãy khuyến khích khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ chia sẻ trải nghiệm của họ về món ăn, đồ uống, dịch vụ của cửa hàng bằng cách chụp ảnh đăng lên mạng xã hội hoặc viết review đánh giá.
Xem thêm: “Content chất” – Vũ khí marketing quyền năng của các thương hiệu F&B
2. 79% khách hàng tin tưởng các blogger ẩm thực
Nội dung mang tính chân thực, giải trí của các blogger ẩm thực hiện nay là công cụ marketing hiệu quả để tăng cường nhận diện thương hiệu cũng như thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Theo thống kê cho thấy:
– 79% khách hàng tin tưởng các blog sản xuất nội dung về ẩm thực.
– Các blogger ẩm thực có số lượng người theo dõi nhiều gấp 4 lần so với bất kỳ ngành nào khác.
– 81% khách hàng muốn biết thêm về hậu trường, cách thức ăn được chế biến trong nhà hàng, quán ăn.
Các thương hiệu nên tích cực, chủ động hợp tác với các blogger ẩm thực để tiếp cận và giới thiệu sản phẩm tới nhiều khách hàng mới. Các blogger ẩm thực là nhóm đối tượng rất có sức nặng trong mảng Review đồ ăn, đồ uống. Một lời giới thiệu, khen ngợi hay kêu gọi từ đối tượng này có giá trị tác động vào hành vi tiêu dùng gấp nhiều lần so với việc quảng cáo đơn thuần.
Bên cạnh đó, hãy lựa chọn một số blogger phù hợp với hình ảnh thương hiệu để có thể kết hợp xây dựng các tuyến bài viết hoặc video hướng dẫn khách hàng về cách kết hợp và thưởng thức sản phẩm. Những nội dung như vậy sẽ khiến khách hàng tăng sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm và mong muốn tới nhà hàng, quán cafe để trải nghiệm dịch vụ.
3. 86% thế hệ trẻ sử dụng Youtube để xem nội dung ẩm thực
YouTube là mạng xã hội hiện có lượng người theo dõi rất lớn các kênh về thực phẩm. Video reaction về các món ăn là nội dung được tìm kiếm nhiều nhất. Theo thống kê cho thấy:
– Sự quan tâm đến các video về ăn uống đã tăng 110% vào năm 2021 so với năm 2018.
– 86% thế hệ trẻ xem YouTube xem các video nội dung về ẩm thực.
– Những người yêu ẩm thực lâu năm là khán giả trung thành, góp phần tạo nên 280% sự tăng trưởng về lượng đăng ký kênh ẩm thực qua từng năm.
– Nội dung về ẩm thực đã tạo ra gần 41 tỷ lượt xem trên YouTube.

Thương hiệu F&B có thể thực hiện chiến lược marketing trên YouTube thông qua hình thức kết hợp với các chủ sở hữu kênh Youtube về ẩm thực để quảng bá chiến dịch truyền thông hoặc thời điểm ra mắt sản phẩm mới. Bên cạnh đó, việc tự lập kênh thương hiệu, trở thành đối tác của Youtube để đăng tải những video nội dung và thu hút phát triển lượng người theo dõi cũng là ý tưởng hay nếu nhà hàng, quán cafe của bạn có đội ngũ marketing thực hiện. Nếu có ngân sách lớn, chạy quảng cáo trên Youtube là một cách thức marketing hiệu quả để nâng cao nhận diện thương hiệu tới khách hàng mục tiêu.
4. 92% khách hàng tin tưởng đề xuất của người quen trên mạng xã hội
WOM – marketing truyền miệng là một trong những kênh tiếp thị mạnh mẽ nhất trong ngành F&B, kể cả hình thức “truyền miệng” online. Thậm chí, môi trường mạng xã hội giúp mọi câu chuyện được lan ra nhanh và xa hơn. Theo thống kê:
– 92% mọi người tin tưởng lời khuyên từ những người quen biết.
– Khách hàng được khách hàng khác giới thiệu có tỷ lệ trung thành cao hơn 37%.
– Doanh thu cửa hàng sẽ tăng gấp 2 lần nếu tỷ lệ ủng hộ từ người quen tăng 12%.
Các nhà hàng, quán cafe có thể khuyến khích thực khách chia sẻ sở thích ăn uống để kích thích sự quan tâm và ủng hộ thương hiệu. Trước hết, hãy tìm những khách hàng sẵn sàng ủng hộ thương hiệu – đó là những người thường xuyên tương tác trên mạng xã hội nhưng không phải là người nổi tiếng. Sau đó khuyến khích họ giới thiệu sản phẩm và gửi tặng họ ưu đãi, mã giảm giá, quyền hạn riêng. Khi đó, những người này sẽ có ấn tượng tốt về thương hiệu, sẵn sàng giới thiệu người quen của họ về nhà hàng, quán cafe. Chỉ cần một bài viết trên Facebook cá nhân của họ, thương hiệu của bạn đã tiếp cận được với rất nhiều khách hàng tiềm năng.
5. 91% khách hàng thích đọc bài viết review ăn uống
Những bài viết review của người dùng trên mạng xã hội có sức mạnh “tiềm ẩn” rất lớn tác động tới một thương hiệu. Tìm kiếm review về một nhà hàng, quán cafe trước khi quyết định tới trải nghiệm đã trở thành một thói quen của số đông mọi người hiện nay. Thông qua thông tin tìm kiếm được, họ sẽ hiểu hơn và có sự so sánh để đảm bảo chọn lựa được một địa điểm ưng ý nhất. Vì vậy, thương hiệu cũng cần theo dõi chặt chẽ các nhận xét này để nâng cao sự hài lòng của khách hàng. Theo khảo sát cho thấy:
– 91% người dùng nói rằng các đánh giá tích cực sẽ thúc đẩy họ ra quyết định dùng thử sản phẩm mới.
– 97% người đọc bài đánh giá cũng đọc các phản hồi của thương hiệu về đánh giá đó.
– 76% người dùng tin tưởng các đánh giá trên các kênh online giống như lời giới thiệu từ bạn bè và gia đình của họ.

Các thương hiệu F&B nên tận dụng sức mạnh của đánh giá của khách hàng trên các kênh online, thậm chí cả những review tiêu cực. Nghe có vẻ ngược đời nhưng nhà hàng, quán cafe hoàn toàn có thể tạo ấn tượng với khách hàng thông qua việc trả lời trực tiếp các đánh giá này theo cách lịch sự và chuyên nghiệp nhất. Lưu ý, hãy luôn theo dõi tất cả các hội nhóm review đồ ăn để đảm bảo bạn không bỏ sót bất cứ đánh giá nào của khách hàng cho dù là tích cực hay tiêu cực để có phản hồi trong thời gian ngắn nhất.
Đối với những quán mới khai trương hoặc đang “ế ẩm”, hãy đưa ra những quà tặng như mời một đồ uống, một món tráng miệng,… để đổi lại điều kiện là họ phải theo dõi các trang mạng xã hội của thương hiệu, chụp một bức ảnh check-in tại quán, đăng lên trang cá nhân và gắn thẻ thương hiệu cùng một người bạn trong bài đăng. Sau đó, hãy trích dẫn những review khen ngợi về fanpage, website của thương hiệu để kích thích và thuyết phục khách hàng đang có nhu cầu sẽ đến với nhà hàng, quán cafe của bạn.
Mạng xã hội ngày càng khẳng định được sức mạnh của mình trong việc lan tỏa thông tin, tác động lên tâm lý và hành vi người dùng. Vì vậy, các thương hiệu F&B nên tận dụng những sở thích, hành vi trên để có chiến dịch marketing hiệu quả nhằm gia tăng doanh thu, tối ưu lợi nhuận.
Bạn có thể tham khảo một số phần mềm sau để vận hành kinh doanh trơn tru hơn nhé!